Vị linh mục và "cây cầu nối bờ vui" bên dòng Đa Nhim

Khi thấy người dân trong vùng vất vả đi lại mỗi ngày vì con sông Đa Nhim chia cắt đôi bờ, linh mục Phạm Công Phương, Giáo xứ Lạc Viên (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), quyết định tự thiết kế bản vẽ, tìm nguồn tài trợ, rồi vận động người dân chung tay, chung sức xây cầu vượt lũ để việc đi lại của bà con nơi đây bớt những nhọc nhằn, nguy hiểm.


Câu chuyện về linh mục Phương xây cầu được nhiều người truyền tai nhau nhưng khi được hỏi về nó, ông cười rồi phân bua: “Tôi chỉ lo phần thiết kế bản vẽ, vận động nguồn tài trợ để mua nguyên vật liệu. Việc thi công hoàn toàn do người dân trong vùng cùng chung sức xây dựng”. Nhân dịp đón khách đến chúc mừng Giáng sinh sớm, khi nghe nhắc đến cây cầu treo, nở nụ cười hiền hậu thật tươi, ông Phương cho biết: “Bây giờ người ta gọi nó là cây cầu nối bờ vui!”. Ừ, đúng là rất vui, bởi từ khi có cây cầu này hàng trăm hộ dân trong vùng không còn lo nước ngập tràn bờ, ngăn cách đường đi lối về.


“Mệt mà vui”


Ý tưởng xây cầu bắt đầu nhen nhóm từ khi linh mục Phương chuyển từ thành phố Đà Lạt xuống tiếp quản giáo xứ Lạc Viên vào năm 2004. Khi ấy, thấy người dân các thôn Lạc Viên A, Lạc Viên B, Diom A và Diom B thường bị chia cắt bởi dòng lũ sông Đa Nhim, ông đã ấp ủ làm sao phải xây được một cây cầu mới giúp dân vượt dòng nước dữ. Chính cách nghĩ đơn giản và táo bạo “mình cứ làm cầu cho dân, nếu không đủ tiền sẽ có nguồn này nguồn kia tài trợ” nên công trình cầu treo vượt lũ đã được khởi công sau tám năm ấp ủ ý tưởng.

 

Linh mục Phương (bìa trái) trên công trường xây dựng cầu treo.


Trước ngày khởi công, linh mục Phương rong ruổi khắp nơi tại một số huyện lân cận để tìm hiểu kết cấu của những cây cầu treo. Mỗi cây cầu ông đều ghi lại chi tiết về thiết kế và các điểm mạnh, điểm yếu để rút kinh nghiệm cho bản vẽ của mình. Cuối năm 2012, công trình chính thức được thi công. Để giảm nhẹ chi phí, linh mục Phương vừa đóng vai trò quản lý công trường, vừa giám sát, vừa lo việc mua nguyên vật liệu từ TP Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm điều hành toàn bộ công việc.

Ba tháng thi công là quãng thời gian vừa vất vả, vừa tràn ngập khí thế hối hả của bà con giáo dân Lạc Viên trên công trường. Mỗi ngày trung bình có vài chục người thi công, một nhóm lo xây trụ cầu, làm đường, nhóm khác thì thiết kế trụ cáp, thành cầu. “Do mình vận động người dân góp sức làm cầu nên họ chia nhau làm xoay vòng, nhóm này làm xong một ngày đến lượt nhóm khác. Vậy nên mỗi ngày đều có thợ mới đến làm, tôi lại hướng dẫn lại, công việc khá vất vả nhưng rất vui!” - linh mục Phương cho biết.


Phát huy tinh thần “tốt đời đẹp đạo”


Ngày 4/4/2013, là ngày mà người dân trong vùng mong đợi nhất khi cây cầu treo 1,3 tỷ đồng (chỉ tính tiền nguyên vật liệu) chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cây cầu bắc ngang sông Đa Nhim, nối các thôn Diom A, Diom B với thôn Lạc Viên A, Lạc Viên B. Cầu được thiết kế dài 114 m, rộng gần 2 m, được giữ vững bằng các mố trụ bê tông cùng gần 100 sợi dây văng chắc chắn và chỉ dành cho xe hai bánh, người đi bộ lưu thông. Tuy nhiên, điều quan trọng là cây cầu chỉ cách quốc lộ 27 khoảng một cây số. Tuyến đường từ quốc lộ vào đến đầu cầu cũng được trải bê tông kiên cố, nâng cao để tránh lũ nên không chỉ giúp người dân của bốn thôn trên mà cả các vùng khác đi lại thuận lợi hơn nhiều, không còn phải đi đường vòng xa gấp hàng chục kilômét.


Cây cầu nối bờ vui giờ đã hoàn thành, hàng ngày làm tròn nhiệm vụ giúp bao người đi lại, chuyên chở rau củ bằng xe máy. Tuy nhiên, dường như chưa hài lòng, linh mục Phương lại tiếp tục thiết kế một bản vẽ cho công trình cầu tràn mới. Theo ông, cây cầu này sẽ xây dựng cách vị trí cầu treo khoảng một cây số về phía thượng nguồn, dành cho các loại xe bốn bánh chuyên chở hàng hóa. Nếu được xây dựng, cây cầu này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc vận chuyển rau màu, hàng hóa trong mùa mưa lũ.


Những việc làm ý nghĩa của linh mục Phạm Công Phương đã được chính quyền huyện Đơn Dương trao nhiều giấy khen. Đặc biệt hơn ông còn là 1 trong 19 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân dịp đến chúc mừng Giáng sinh, linh mục Phạm Công Phương và bà con giáo dân, ông Phan Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhận xét, việc xây cầu của linh mục rất đáng hoan nghênh và biểu dương, bởi linh mục đã phát huy tinh thần sống "tốt đời đẹp đạo" của đồng bào có đạo, đồng thời cũng đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Bài và ảnh: Nguyễn Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN