Vén màn bí ẩn cái chết của Yuri Gagarin

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày nhà du hành vũ trụ đầu tiên bay vào không gian - Yuri Gagarin - ra đi trong một vụ tai nạn máy bay năm 1968. Cuối cùng, bức màn bí mật đằng sau cái chết của phi hành gia vĩ đại người Nga đã được hé lộ.


 

Yuri Gagarin (giữa) và Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Nikita Khrushchev (phải) năm 1963.

Năm 1961, Yuri Gagarin đã đi vào lịch sử khi ở tuổi 27, ông trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Hành trình bay quanh quỹ đạo Trái Đất một mình vào ngày 12/4 của ông đã diễn ra trong 108 phút. Đó là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của Liên Xô trong thời kì Chiến tranh lạnh.


Bảy năm sau, nhà du hành vũ trụ này qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trong lúc tập luyện và cũng kể từ đó, một bức màn bí mật đã phủ lên cái chết của ông. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Gagarin là Phó giám đốc đào tạo của Trung tâm huấn luyện du hành gia và đang bắt đầu quay lại với vai trò một phi công chiến đấu.


 

Ông Leonov, người vén bức màn bí mật xung quanh cái chết của nhà du hành vũ trụ Gagarin, trong hai bức ảnh xưa và nay.

Có rất nhiều giả thuyết đã được vẽ ra quanh cái chết của Yuri Gagarin. Có người cho rằng ông bị giết hại, có người đồn đoán ông đã tự tử. Cũng có người nghi ngờ ông đã đụng độ với vật thể bay không xác định của người ngoài hành tinh... Theo hồ sơ lưu trữ của Điện Kremlin được tiết lộ vào đầu năm 2011, chiếc máy bay MiG chở Gagarin đã bay chệch hướng để tránh một khí cầu khí tượng. Việc này khiến chiếc máy bay bị bổ nhào theo đường xoắn ốc và đâm xuống mặt đất. Vụ tai nạn khiến Gagarin chết ngay lập tức.


Nhưng sau 40 năm với sự giúp đỡ của nhà du hành Aleksey Leonov, nguyên nhân thật sự gây ra cái chết của Yuri Gagarin đã được đưa ra ánh sáng. Leonov, năm nay 79 tuổi, là người đầu tiên đi bộ ngoài không gian vào năm 1965. Ông là thành viên chính thức của ủy ban điều tra vụ tai nạn và quan trọng hơn, chính Leonov đã có mặt ở hiện trường vào ngày định mệnh của tháng 3 năm 1968.

Chiếc máy bay SU- 15 được cho là gây ra cái chết của Gagarin.

Mới đây, trả lời tờ Russia Today (Nga), Leonov cho biết đây là việc ông đã muốn thực hiện suốt 20 năm nay. Ông cho biết: “Kết luận (ban đầu đó) là dành cho người bình thường, chứ không phải cho những người chuyên nghiệp. Sự thật là tất cả mọi thứ đã diễn ra khác”. Theo lời kể của Leonov, hôm đó là ngày 27/3 và ông đang đợi lệnh hoãn luyện tập do thời tiết xấu thì nghe thấy một âm thanh vang lên, sau đó vài giây là tiếng nổ lớn. Báo cáo về vụ tai nạn gần ngôi làng Novoselovo nhanh chóng được báo về trụ sở.


Ông giải thích, một chiếc phi cơ chiến đấu SU-15 "lạ" lúc đó đã xuất hiện và bay rất sát với máy bay của Gagarin. Ông nói: “Trong trường hợp đó, phi công đã không làm theo quy định là cho máy bay hạ xuống độ cao 450 m so với mặt nước biển. Tôi biết điều này bởi vì tôi đã ở đó, tôi đã nghe thấy âm thanh của vụ việc và nói chuyện với các nhân chứng. Trong khi đang tăng tốc, chiếc SU-15 đã bay sát vào chiếc máy bay của Gagarin ở khoảng cách 10 - 15 m, khiến cho máy bay của Gagarin bị lật ngược lên và rơi xuống theo vòng xoáy trong khoảng 55 giây ở vận tốc 750 km/giờ”.


Là một thành viên của Ủy ban Quốc gia điều tra về vụ tai nạn, Leonov được phép tiếp cận với các tài liệu báo cáo. Theo ông, điều kinh ngạc là sau khi xem báo cáo, ông phát hiện sự thật về vụ tai nạn đã bị làm méo mó. Theo Leonov, mặc dù những bình luận và danh tính của ông vẫn được chỉ rõ song ai đó đã sửa đổi thông tin. Ông nói: “…Khi nhìn vào bản báo cáo, tôi bất ngờ nhận ra thời gian của tiếng ồn xen vào giữa đã được sửa thành 15 - 20 giây thay vì chỉ khoảng 2 giây như tôi đã báo cáo”. Theo ông Leonov, số liệu đó chỉ ra rằng hai chiếc máy bay phải cách xa nhau ít nhất 50 km.


Leonov quả quyết: “Chúng tôi đã sử dụng máy tính để tìm ra con đường phù hợp với hành trình trong 55 giây cuối cùng trong cuộc đời của Gagarin. Và câu trả lời cho cuộc tìm kiếm của chúng tôi là một đường xoắn ốc sâu. Một chiếc máy bay chỉ có thể rơi vào một đường xoắn ốc sâu nếu có một chiếc máy bay lớn hơn, nặng hơn bay qua ở cự li gần khiến nó bị lật ngược bởi luồng khí xoáy. Và đó chính xác là điều đã xảy ra với Gagarin. Đường đi đó là đường duy nhất phù hợp với tất cả những thông số đưa vào của chúng tôi”.


Trong khi câu hỏi "chuyện gì đã xảy ra với Yuri Gagarin" đã được làm sáng tỏ thì còn một câu hỏi khác quan trọng không kém vẫn chưa được giải đáp: Ai là người lái chiếc “máy bay đoạt hồn” kia? Theo một thỏa thuận trước khi Leonov được tiết lộ những thông tin nói trên, ông phải giữ bí mật danh tính của người phi công lái chiếc máy bay cướp đi sinh mạng của nhà du hành Gagarin năm xưa. Ông chỉ cho biết nhân vật bí ẩn này vẫn còn sống và nay đã 80 tuổi.


A.M (Theo D.M)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN