Thế là anh đã về với mẹ. Mẹ ra tận xe đón anh. “Là con đấy ư?” Mẹ nghẹn ngào ôm cái bọc vải đỏ từ tay người con gái. Ngày anh đi, mẹ cũng ôm anh trong bộ quần áo lính còn thơm mùi vải mới. Anh lừng lững như cây chuối hột đầu ngõ. Thế mà bây giờ anh lại bé bỏng thế trong vòng tay của mẹ, còn nhỏ hơn cả cái hồi lẫm chẫm, khóc đòi theo bố đi “trả phép” đơn vị phòng không. Mẹ ôm thật lâu cái bọc vải đỏ đến nỗi nước mắt trào ra thấm ẩm...
- Thôi mẹ về đi kẻo lạnh, lại ho, người con gái đỡ tay mẹ, từ nay con sẽ luôn ở bên mẹ kia mà...
Phải, từ nay, nó sẽ ở bên mẹ. Anh đã xa mẹ gần bốn mươi năm. Ngày ấy trên đầu mẹ tóc hãy còn xanh. Ngày ấy, bố anh vừa hy sinh trong một trận đánh máy bay Mỹ để bảo vệ cây cầu bắc ngang thị xã. Chỉ vừa tròn một tháng sau ngày bố hy sinh, anh rút đơn thi đại học để vào bộ đội. Chủ tịch rồi xã đội trưởng băn khoăn lắm. Họ hỏi ý kiến mẹ. Nhưng mẹ lại bảo tùy tâm nguyện của anh. Thế là anh đi một mạch, huấn luyện nhanh ở mạn Chí Linh rồi hành quân vào mặt trận đường chín - Nam Lào. Anh gan góc chẳng khác gì bố. Không thư từ, không nhắn nhủ cho ai, kể cả cô bạn hàng xóm cùng học thân thiết chẳng mấy ngày không sang chơi với mẹ. Mãi đến một hôm, cô gái sang khoe với mẹ, rằng có một anh thương binh mới ra điều dưỡng. Anh nói đã gặp con mẹ ở Quảng Trị. Thế là đêm đêm, hai bác cháu cứ thay nhau gắn tai vào cái máy galen mà anh làm từ hồi đi học, hy vọng biết tin chiến sự từ thành cổ Quảng Trị. Càng nghe, càng nhớ, càng thương.
Mòn mỏi chờ đợi. Rồi chiến tranh kết thúc. Rồi lại hy vọng, đợi chờ... Cho đến mãi gần đây, sau nhiều lần tin đi, thư lại, mới biết anh đã được đưa về một nghĩa trang bên dãy Trường Sơn. Những đồng đội làm việc quy tập hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy trong di vật của anh một cái lọ nhỏ, trong đó có mẩu giấy ghi họ, tên cùng quê quán. So với lúc anh đi, chỉ thay đổi một chữ lót là chính tên cô bạn học ngày nào...
Lễ truy điệu anh được tổ chức trang trọng ngay tại trụ sở xã. Mẹ được mời lên ô tô cùng đi. Vừa xuống xe, mẹ đã thấy một thiếu phụ ra dìu vào phòng. Mẹ nhận ra:
- Là con à? Làm sao ở xa thế mà cũng biết?
Người thiếu phụ gục đầu vào vai mẹ:
- Con về quê có việc tang, biết tin mẹ đón anh về... Chị xúc động không nói được nữa, quay ra vẫy các con:
Vào lạy bà đi, lễ bác đi!
Những đứa con ngoan ngoãn làm theo lời mẹ chúng. Mẹ hết nhìn người thiếu phụ, lại âu yếm nhìn lũ trẻ quây quần quanh mình mà nhớ lại mùa hè con trai vào mặt trận, hai bác cháu nghe chung cái máy galen... Như hiểu được tâm trạng mẹ, chị ôm lấy đôi vai gầy: “Từ nay, anh ấy đã về, con xin phép mẹ cho con và các cháu được về thăm mẹ và hương khói cho anh...”.
Mẹ lại giơ cánh tay gầy guộc ôm vai chị, khiến những người trong phòng xúc động, lặng lẽ quay đi...
Trần Thế Lượng