Về bản “hai con” dưới đỉnh Pù Hoạt

Bản Ăng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An nằm cách thành phố Vinh gần 200 km về phía tây. Năm 2010, bản Ăng di vén lên tái định cư dưới chân núi Pù Hoạt, nhường đất cho thủy điện Hủa Na. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bản Ăng lại là một điểm sáng trong công tác vận động dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3.

Anh Lương Văn Hải, Trưởng bản Ăng cho biết, hiện cả bản có 66 hộ dân, đều là người Thái. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống đồng bào, nhưng suốt 10 năm qua, bản Ăng không có hộ nào sinh con thứ 3, trẻ em được đến trường đầy đủ, không cháu nào bỏ học.

Chị Lương Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thông Thụ cho biết, trước đây, không chỉ riêng bản Ăng mà hầu hết người dân trong xã đều sinh nhiều con, tình trạng thất học xảy ra triền miên. Kể từ năm 1994, khi Nhà nước ban hành chính sách kế hoạch hóa gia đình, Hội Phụ nữ xã Thông Thụ đã chủ động kết hợp với Chi hội Phụ nữ các bản cùng Đồn Biên phòng Thông Thụ đến từng nhà để vận động. Thời gian đầu, chị Phượng cùng các cán bộ dân số đi tuyên truyền vào mỗi buổi tối, đường đi nguy hiểm, lại chỉ có thể đi bộ, nên nhiều khi phải ngủ lại nhà dân. Khó khăn nhiều, nhưng chưa bao giờ các chị nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Bản thân chị Phượng cũng chỉ sinh 2 con gái để làm gương cho bà con.

Đến nay đã là năm thứ 10 bản Ăng không có người sinh con thứ 3.

Vừa tuyên truyền, khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng, uống thuốc, hội vừa cấp bao cao su miễn phí đến từng nhà, hỗ trợ cho các cặp vợ chồng tiến hành triệt sản, thưởng tiền cho gia đình chỉ sinh con một bề là nữ. Đối với những trường hợp vi phạm, ngoài việc phải nộp phạt theo quy định của pháp luật, còn bị đưa ra kiểm điểm trước bà con...

“Mưa dầm thấm lâu”, cuộc vận động đã mang lại kết quả, đến nay, nhận thức người dân được nâng cao, xã Thông Thụ nhiều bản không có người sinh quá 2 con, bản Ăng là một bản tiêu biểu. Từ năm 2002, bản đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng văn hóa.

Gia đình anh Lô Văn Hùng, chị Lương Thị Ly vốn là một hộ nghèo của bản Ăng. Nghe lời cán bộ, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, anh chị sinh 2 con gái và tập trung làm kinh tế, nay gia đình anh chị đã trở thành hộ khá trong bản. Hay như vợ chồng anh Lô Văn Đức, chị Quang Thị Lan là một trong những hộ chỉ sinh 2 con gái ở bản Ăng. Con đầu của anh chị là học sinh giỏi toàn diện tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ, con gái sau vẫn còn nhỏ. Kinh tế khá, có điều kiện để tiếp tục sinh con, nhưng nghe lời vận động của cán bộ xã, anh chị quyết định không sinh thêm để nuôi dạy cho tốt.

Anh Lương Văn Hải, Trưởng bản Ăng:“Không sinh thêm con cho bớt khổ”.

Hiệu quả của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tại bản Ăng nói riêng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong nói chung, đã được chứng minh bằng thực tế những năm qua. Đó không chỉ là thành tựu của quá trình phối hợp giữa sự kiên trì vận động của chính quyền xã, bản với sự tự giác và tích cực thay đổi nhận thức của người dân, mà còn nhờ sự gương mẫu của những người cán bộ như chị Phượng, anh Hải. Đây là cách làm hay, cần được duy trì, phát huy để góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân.
Bài và ảnh: Mai Linh
Nhân rộng nhóm sinh hoạt dân số để giảm tảo hôn
Nhân rộng nhóm sinh hoạt dân số để giảm tảo hôn

Ngành dân số huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để đồng bào hiểu rõ hơn về hậu quả của nạn tảo hôn đến chất lượng dân số và quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN