Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đến đời sống văn hóa của người dân các vùng nông thôn, bằng nhiều hình thức tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định và đầy đủ. Một trong nhiều hình thức được áp dụng với hầu hết các xã ở nông thôn, vùng sâu vùng xa là xây dựng đầy đủ các điểm bưu điện văn hóa xã, giúp người dân có được những kênh thông tin hữu ích trong cuộc sống. Dù là xã xa xôi nhất ở vùng cao cho đến các xã vùng trung du, vùng thấp, điểm bưu điện văn hóa xã đều được xây dựng ngay trung tâm xã, gần khu dân cư để người dân có thể tiện lợi khi đến giao dịch và đọc sách.
Trong thời gian đầu khi các điểm bưu điện mới được xây dựng đã thu hút số lượng khá đông người dân đến để sử dụng các dịch vụ như điện thoại, thư, báo chí và dịch vụ chuyển tiền. Hầu hết các kênh thông tin phục vụ cho đời sống của người dân đều được các điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ chu đáo và tận tình. Những năm gần đây, Nhà nước còn đầu tư thêm sách báo, tạp chí và các ấn phẩm nông nghiệp khác kèm theo cả máy vi tính đã giúp cho người dân mở mang được kiến thức về đời sống, về sản xuất nông nghiệp và làm quen với tin học. Đã có một thời, người dân trong lúc nông nhàn đã không tiếc bỏ một khoảng thời gian trong ngày để đến bưu điện đọc sách báo về trồng trọt, chăn nuôi và thử dùng máy vi tính.
Ba năm trở lại đây, không khí tấp nập tại các điểm bưu điện văn hóa xã không còn như vậy. Người dân đến bưu điện xã để sử dụng các dịch vụ ngày càng ít đi, thưa thớt và vắng vẻ. Cũng vì thế, người phục vụ ở bưu điện cũng giảm đi lòng tận tình khi phục vụ khách hàng và các dịch vụ của bưu điện tự nhiên cũng bị cắt bỏ.
Do số lượng người dân đến bưu điện ngày càng ít đi và có khi không có, nhiều điểm bưu điện của các xã vùng nông thôn phải rơi vào tình trạng “hoang vắng” đến tuyệt đối và có nguy cơ phải đóng cửa. Có những bưu điện được sử dụng vào dịch vụ khác như cho người dân thuê còn dịch vụ của bưu điện thì chỉ “ké” vào đó. Có những điểm được người phụ trách dùng là nơi chứa các nguyên vật liệu như gỗ, củi chồng đống ngay trước cửa. Có những điểm vẫn duy trì được hoạt động nhưng người phụ trách có khi chỉ mở cửa có nửa buổi sáng rồi lại đóng cửa im bặt, rồi có nơi, người phụ trách đóng cửa hoàn toàn, thậm chí họ còn mang máy điện thoại về nhà rồi làm dịch vụ ngay tại nhà. Có những nơi để cỏ mọc rậm um tùm choán ngợp cả lối vào. Cũng từ tình hình đó, công tác đảm bảo thông tin cũng bị thu hẹp lại trong điều kiện cho phép. Như dịch vụ chuyển thư báo chỉ “góp” chung ở một điểm bưu điện cụm xã trung tâm, còn lại những điểm khác thôi không làm nữa vì tốn kém thời gian và kinh phí. Dịch vụ đọc sách báo, tạp chí hầu như ngừng hẳn vì không có người dân nào đến đọc nữa. Các dịch vụ gọi điện thoại không còn hấp dẫn như trước nữa. Bưu điện huyện phải tính đếm đến chuyện cắt bỏ một số xã không sử dụng dịch vụ lấy thư báo để dễ bề quản lý.
Nguyên nhân của việc vắng vẻ này thuộc về hai phía là người dân và điểm bưu điện. Đối với người dân trong những năm gần đây, có nhiều dịch vụ khác phát triển đã đáp ứng kịp thời các kênh thông tin cho họ như điện thoại di động đã phủ sóng khắp nơi, kênh truyền hình với sự đa dạng của nó đã bắt nhịp với đời sống của nông dân. Mặt khác, dịch vụ Internet đã và đang phát triển phổ cập nên hình thức viết thư tay hay thư chuyển tiền hầu như ít đi và không còn. Dịch vụ điện thoại được người dân sử dụng thuê bao ngay tại nhà nên ít và hầu như không còn người dân nào đến bưu điện để gọi điện. Còn đối với các điểm bưu điện văn hóa xã, do không bắt kịp với sự phát triển không ngừng của xã hội cũng như những kênh thông tin tiện dụng khác nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Điều đó đặt ra câu hỏi lớn cần được giải đáp trong sự điều chỉnh hoạt động của các bưu điện trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ cho người dân. Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phục vụ của các điểm bưu điện văn hóa xã hiện nay, cơ quan lãnh đạo ngành bưu điện cần có những giải pháp hữu hiệu trước mắt nhằm duy trì đều đặn hoạt động của điểm bưu điện trong ngày đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến nhận thức của người dân về hữu ích của bưu điện tại xã khi họ tham gia các dịch vụ.
Nguyễn Thế Lượng