Ứng dụng khoa học vào phát triển kinh tế vùng đồng bào Khmer

Tỉnh Kiên Giang có gần 50.950 hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết: Từ năm 1999 đến nay, Nhà nước đã hỗ trợ tỉnh thực hiện 15 dự án thuộc Chương trình nông thôn - miền núi, trong đó có 7 dự án về trồng lúa được triển khai ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc Khmer, với tổng vốn đầu tư 28,4 tỷ đồng.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, năng suất và chất lượng cây lúa của tỉnh Kiên Giang đạt cao hơn. Ảnh: T.Chánh


Ông Danh Kha Miêu ở ấp Hòa Út, xã Định Hòa, huyện Gò Quao cho biết: Trước đây, hầu hết người nông dân trồng lúa theo cách truyền thống, nếu thời tiết thuận lợi năng suất mới đạt khoảng 7 - 8 tấn/ha/năm, nhưng hiện nay năng suất đã tăng lên 13 - 14 tấn/ha/năm, nhờ được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên đồng ruộng.

Bên cạnh những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đối với cây lúa, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang còn nghiên cứu nhiều đề tài phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể khác như đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm hoàn thiện quy trình chế biến mắm Bò-hóc truyền thống dân tộc Khmer tại Gò Quao”. Đề tài được thực hiện đã góp phần quảng bá sản phẩm mắm Bò-hóc, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, vừa bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống của địa phương, thúc đẩy nghề nuôi cá trê vàng (nguyên liệu chính để làm mắm) trong vùng đồng bào dân tộc.

Nghề đan chiếu của đồng bào cũng phát triển, cho thu nhập cao.


Tỉnh Kiên Giang còn thực hiện dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng, kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Dự án kết hợp giữa việc bảo vệ hệ sinh thái đồng cỏ bàng tự nhiên duy nhất còn sót lại của đồng bằng sông Cửu Long với việc gìn giữ làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khmer. Dự án đã đào tạo nghề cho trên 500 lượt người về kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với thu nhập từ 1,2 - 3,4 triệu đồng/người/tháng tùy theo tay nghề, tăng từ 6 lần trở lên so với trước khi có dự án.

Trong 3 năm qua, sản lượng lúa của tỉnh liên tục dẫn đầu cả nước, năm 2014 đạt hơn 4,5 triệu tấn, dự kiến năm 2015 tăng lên 4,7 triệu tấn. Đời sống đồng bào vùng dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên, hộ nghèo tiếp tục giảm, hiện còn khoảng 3.700 hộ, chiếm 7,2% hộ đồng bào dân tộc toàn tỉnh.

Ngoài chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tỉnh Kiên Giang còn thực hiện hiệu quả các chính sách nâng cao đời sống, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Lê Huy Hải
Đưa vốn đến đồng bào Khmer
Đưa vốn đến đồng bào Khmer

Thời gian qua, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh… trên địa bàn Hậu Giang đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN