Sáng 15/5, tiếp tục Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, cân nhắc kỹ các nội dung và quỹ thời gian của kỳ họp, cách thức tiến hành đối với từng nội dung, thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu, Văn phòng Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong dự kiến chương trình kỳ họp. Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/5, thời gian từ khi khai mạc đến bế mạc kỳ họp là 33 ngày.
Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và thống nhất cho rằng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đảm bảo cho thành công của kỳ họp. Một số ý kiến nhất trí với đề xuất bố trí tăng thời gian thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ 0,5 ngày lên 1 ngày hoặc 1,5 ngày, vì đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân; đồng thời nên bố trí thảo luận ở tổ để tiếp nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.
*Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) đã cho ý kiến về hai dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp.
Đối với các hoạt động đấu thầu quy định tại khoản 1, một số ý kiến tán thành với tiêu chí xác định các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước như quy định tại điểm a, nhưng đề nghị có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu trong trường hợp các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên và chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị không quy định tiêu chí xác định quy mô vốn Nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền vì không bảo đảm được tính ổn định của Luật, quy định này sẽ lạc hậu sau một thời gian ngắn. Hơn nữa, việc quy định mức giá trị tuyệt đối là 500 tỷ đồng như trong dự án Luật chưa có căn cứ thuyết phục.
Về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại điều 5, các thành viên UBTVQH tán thành quy định nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam, phải sử dụng lao động trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn và đề nghị Chính phủ làm rõ trong số 3.000 doanh nghiệp không thực hiện đăng ký lại thì có bao nhiêu doanh nghiệp hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được cho đăng ký lại; bao nhiêu doanh nghiệp chưa hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được mở rộng ngành nghề, với số vốn, số lao động là bao nhiêu, đang hoạt động trong lĩnh vực nào?
Các thành viên UBTVQH cũng tán thành với nội dung sửa đổi tại điểm a, b khoản 2, điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật, phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, các thành viên UBTVQH tán thành việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đến tổ chức thực hiện Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, rút kinh nghiệm trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật đã có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
TTN