Tuổi già

Căn phòng nơi tôi thuê trọ nằm ở ngõ cụt nên khá yên tĩnh, có cây khế cơm rất to từ trong vườn một gia đình vươn tán tỏa bóng râm mát. Đây là nơi tụ họp của các cụ bà vào mỗi buổi chiều với đủ thứ chuyện. Chuyện nhà chuyện người, chuyện chợ búa cho đến cả chuyện quốc gia đại sự. Cứ mỗi cụ mang theo một chiếc ghế nhỏ rồi ngồi quây quần chuyện trò râm ran khắp đoạn ngõ. Người thì tranh thủ nhặt rau đỡ con cháu, người khâu vá, người thêu tranh, cũng có cụ đến chỉ để ngồi ngâm thơ và kể chuyện thời đi văn công trong chiến trường. Tôi thường nằm im bên cửa sổ, lắng tai nghe những âm thanh vọng lại có tiếng cười, có quãng lặng và đôi khi như nghe thấy cả tiếng thở dài. Rồi thì từng bóng người già cứ vắng dần đi…


Bạn tôi thắc mắc hoài ngõ này sao lắm người già. Ra chợ thấy người già chọn rau, trả giá mặc cả rồi còng lưng xách nặng. Về nhà thấy người già lẽo đẽo chạy theo đứa cháu đang tuổi hiếu động để bón từng thìa cơm. Đêm đến nghe thấy tiếng người già khục khặc ho khan. Sáng ra thấy người già đứng trước cửa ngóng xa xôi. Thỉnh thoảng tôi cũng ra ngõ ngồi để nhận được những nụ cười móm mém bắt thân của các cụ già. Hễ có ai đó đi qua dừng lại hỏi đường cũng khiến các cụ vui. Ai đó dừng chân hỏi thăm dăm ba câu là thấy mắt môi tuổi già như vẫn còn thắm lắm. Chỉ đến lúc ấy tôi mới biết họ cô đơn đến nhường nào. Thời gian thật khắc nghiệt khi lấy đi của chúng ta nhiều thứ. Tôi đọc được trong cái dáng leo lắt của một ai đó xa xôi là hình bóng của bà, của mẹ tôi xưa và của chính tôi trong những năm tháng sau này. Lòng sao tránh khỏi ngậm ngùi…


Tôi nhớ ngoại tôi đã ở tuổi gần đất xa trời, đã không thể nhớ tên nhận mặt cháu con, nhưng những chuyện xa xưa thì ngày nào bà cũng mang ra kể. Đối với tuổi trẻ thì vài trăm cây số chỉ là một chuyến đi nghỉ cuối tuần. Nhưng đối với ngoại, lúc nào ngoại cũng chỉ mong từ khi đó đến lúc nhắm mắt xuôi tay được về thăm quê lại một lần, được đứng trước biển và cầm trên tay nắm cát mặn mòi. Nhưng tuổi già mỗi ngày tay mỗi run, chân mỗi chậm, lưng mỗi còng, mắt mờ thêm và chân trời như càng lùi xa lắc. Con cháu thì lúc nào cũng bận bịu, bảo còn biết bao việc phải lo chẳng có thời gian đáp ứng ước muốn của một cụ già lẩm cẩm. Và dù cho ngoại có đãng trí theo kiểu chưa ăn mà tưởng ăn rồi, cầm cái nón trên tay mà cả buổi lẩn thẩn đi tìm khắp nhà hay thấy các con đến thăm mà tưởng người dưng ghé hỏi mua trứng gà trứng vịt, nhưng ngoại ngày nào cũng cứ ngồi dưới gốc cây mà thương nhớ kí ức một vùng quê. Thứ kí ức mà tôi tin chắc rằng nó vẫn rõ mồn một trong trái tim già nua của ngoại.


Rồi một ngày ở thành phố xa xôi này, tôi thấy vắng dần đi từng bóng người già mà thấy tim mình nhói lên khi nghĩ về ngoại. Có nhiều cụ đã không thể ra ngõ đứng nữa, nằm im đâu đó trong những căn phòng đóng kín kia, chầm chậm cảm nhận cuộc sống đang trôi chảy. Có cụ nhiều ngày dài sống trong bệnh viện khi bệnh tật chẳng chịu buông tha những mái đầu tóc trắng. Một vài tờ cáo phó dán ngay đầu ngõ, thảng thốt lòng tôi về cách kết thúc số phận một con người. Bạn bảo tôi hãy nghĩ tích cực lên, rằng những người già họ từ biệt chúng ta để đến một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi cũng muốn tin vào thiên đường để tự an ủi lòng khi những khoảng trống dưới gốc cây khế cơm cứ mỗi ngày mỗi lạnh…



Vũ Thị Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN