Trong các lễ hội: “Xên bản xên mường” - cúng bản cúng mường, hội “Lồng tồng” - hội xuống đồng, hội xuân… của người Thái Tây Bắc, không thể thiếu trò chơi dân gian: Tung còn. Đây là một mỹ tục của người Thái Tây Bắc. Tung còn không chỉ là một trò chơi, là môn thể thao lành mạnh của cộng đồng, giúp con người gần gũi với nhau hơn, mà còn chuyên chở bao khát vọng về một cuộc sống thanh bình, thuận theo lẽ tự nhiên của đất trời, để có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Có ba cách chơi còn truyền thống được lưu truyền cho tới ngày nay:
Còn vòng: Chôn một cột bằng tre hoặc hóp còn tươi, cao từ 10m-15m, trên ngọn làm một vòng tròn rộng từ 30 cm -40 cm, bịt bằng giấy đỏ. Ai ném thủng được coi là sẽ gặp nhiều may mắn và được thưởng, phần thưởng tùy theo có thể là đôi chén rượu.
Còn xai: Nam thanh nữ tú chia làm hai hàng. Bên tung, bên đón. Nếu ai bắt trượt làm quả còn rơi xuống đất sẽ phải có tặng vật cho người tung: khăn piêu, vòng bạc. Dây còn như sợi dây tình từ tay người này trao gửi đến tay người khác, với bao điều thầm kín. Sau cuộc chơi nhiều đôi đã được xe duyên thắm, nên vợ nên chồng.
Còn xổm: Người chơi đứng thành vòng tròn, xen kẽ một nam một nữ, có thể đông tới vài trăm người. Người chơi bắt buộc phải tung theo thứ tự vòng tròn, ai cũng được chơi bình đẳng.
Tung còn, một mỹ tục đẹp của người Thái Tây Bắc. |
Quả còn chính là sự mô phỏng những ánh sao băng chợt chói sáng trên bầu trời cao như quỹ đạo của con rồng còn - (luông còn) trong truyền thuyết. Người Thái quan niệm rồng là con vật đẹp nhất - (chăn cơ tô luông). Rồng chính là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất: Sự biến đổi - (piến thái), sự phát triển - (cái chiến), thanh bình - (yên hán) và hạnh phúc - (bun côn). Có nhiều loại rồng như: Rồng đất - luông đin, rồng nước - (luông nặm) là biểu tượng của hồn núi sông đất nước. Rồng người - (luông côn) và rồng còn - (luông còn) tức là hồn của cải. Rồng còn có thân hình vuông, đuôi dài, thân và đuôi đều có tua với nhiều màu sắc rực rỡ. Rồng còn thường bay theo quỹ đạo vòng cung, như dáng cầu vồng. Người Thái quan niệm năm nào rồng còn xuất hiện nhiều thì mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh yên vui, vụ mùa xanh tốt bội thu.
Người Thái Tây Bắc luôn gìn giữ và trân trọng tục chơi còn. |
Quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu xanh, đỏ, đen, vàng, khâu thành hình vuông (rất ít khi dùng màu trắng), trong nhồi hạt bông, thóc giống, muối ăn và một ít trấu. Nếu hạt bông mang khát vọng cuộc sống hạnh phúc ấm êm thì hạt thóc lại mang ý nghĩa của sự no đủ. Muối thêm chút đậm đà trong cuộc sống. Quả còn được đính năm tua mầu, bốn tua ở bốn góc và dây đáy tượng trưng cho thân rồng đính chín tua so le nhau. Quả còn lóng lánh màu sắc như rồng còn trong truyền thuyết và ước mơ khát vọng của người Thái Tây Bắc, ấp ủ những hạt giống chờ gieo xuống bản làng, sinh sôi kết trái. Dây còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa, mang lại một tín hiệu tốt lành cho một năm mới. Khi tung lên cao, các tua còn phấp phới như râu rồng, biểu tượng của cỏ cây hoa lá khoe sắc đua hương. Mỗi màu có một “tiếng nói” riêng: Màu xanh tượng trưng cho bầu trời khát vọng, màu đỏ tượng trưng cho sự viên mãn, cho những ước vọng. Cầu cho mùa màng hoa trái tươi tốt được mùa. Màu đen tượng trưng cho đất đai trù phú, cho sự bền vững. Màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang phú quí. Hạt bông, hạt lúa cùng các màu sắc tạo nên một sự cân bằng âm dương. Quả còn bao giờ cũng do các cô gái làm trong những ngày nông nhàn. Nhìn quả còn vuông vắn, đường chỉ khéo léo, màu sắc hài hòa, các chàng trai biết đây là người con gái đảm đang, khéo tay.
Quả còn mang những ý nghĩa sâu xa và thiêng liêng, bởi vậy bao giờ người con gái cũng cho vào túi thổ cẩm đeo bên mình. Không được để trong túi quần của nam giới cũng như không được giắt vào cạp váy của phụ nữ. Mỗi người khi cầm quả còn trên tay là gửi vào đó tất cả sự nâng niu trân trọng, gạt bỏ những ý nghĩ xấu xa, thấp hèn và dục vọng. Không bao giờ được đưa quả còn qua háng cũng như dẫm chân lên, không được cầm vung vẩy va đập với vật khác... sợ rằng sẽ làm phật ý “khuôn còn” - vía còn.
Khi được người chơi tung lên quả còn sẽ mang đi cái úa vàng, vận hạn rủi ro. Khi chơi còn người Thái Tây Bắc thường hát "Khắm sai bản lống tọt xia lương, khắm sai mướng lống tọt xia sảy", có nghĩa là: Chúng ta cùng nhau cầm dây còn ném đi cái úa vàng, nắm dây còn quăng đi cái đau ốm. Người đón còn, đón lấy cái may mắn, tốt đẹp về "Hặp au ăn đi, ăn ngám má chảu; hặp ăn ăn thảu, ăn ké má tô", có nghĩa là: Bắt lấy cái tốt đẹp về mình, đón lấy cái phúc, tuổi thọ về ta. Chính vì vậy người chơi còn đều cố bắt không để rơi xuống đất. Người tung, người bắt rồi tung trở lại, quả còn phơi phới trên trời cao như rồng còn bay lượn trong vũ điệu ấm no hạnh phúc. Thậm chí khi có người chết, người ta còn làm cho hồn ma (phi) một quả còn để tiếp tục chơi trên mường trời.
Trong lễ hội “Xên bản xên mường” trong mâm cúng bao giờ cũng phải có hai quả còn, khi chủ mường cúng báo cáo với các đấng siêu nhiên và tổ tiên có câu: “… phù hộ cho con cháu/Tung còn lên phía trời cao cho phát đạt/Quăng còn lên phía cao xanh được tốt lành/Được cái tốt đẹp hơn năm ngoái/Được cái giàu cái sang hơn ngày năm kia/Cho bản mường làm gì được nấy/Nhờ cái gì cũng được như ước như mong/Đón còn đón lấy khỏe mạnh về bản/Đón lấy tốt lành vào thân/Có nhiều gia súc, gia cầm về phát triển/Có nhiều thóc lúa về chật nhà”. Còn ngày Tết, ngày hội xuống đồng lại khấn: “Tung còn lên trời cao cho phát tài phát lộc/Tung còn lên phía cao xanh co mọi sự tốt lành/Được cái xinh đẹp hơn năm ngoái/Được cái giàu có hơn năm kia/Đón lấy cái tốt đẹp về cho bản/Nhận cái khỏe manh về cho mình/Đón sự sinh sôi cho gia cầm, gia súc/Đón lấy thóc gạo về nhà”.
Sau ngày hội tung còn, người phụ nữ, người sinh ra và nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc giữ trọng trách cất giữ quả còn, như cất giữ nâng niu những hạt giống quí báu cùng bao lời khẩn cầu thiêng liêng. Ngày nay người Thái Tây Bắc vẫn giữ gìn và trân trọng tục chơi còn. Trong những ngày lễ hội, ngày xuân, quả còn lóng lánh sắc màu cùng lời khắp giao duyên bay giữa bầu trời Tây Bắc chuyên chở bao khát vọng và niềm tin về tình yêu cuộc sống.
Bài và ảnh:Trần Vân Hạc