Từ đào tạo đến thực tế cuộc sống

Nhằm động viên, khuyến khích phong trào học tập của sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn cuộc sống trong các trường đại học, phát hiện kịp thời tài năng trong sinh viên, tạo nguồn bổ sung đội ngũ chuyên gia trẻ kế cận cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, năm 1988, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức cuộc tuyển chọn đồ án tốt nghiệp xuất sắc cho sinh viên ngành kiến trúc - quy hoạch và xây dựng trong toàn quốc.

Sinh viên được nhận giải thưởng Loa Thành năm 2010.

Sáng kiến đã được sự ủng hộ của Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT) và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đến năm 2000, cuộc tuyển chọn chính thức mang tên “Giải thưởng Loa Thành” với sự tham gia của Hội KTS Việt Nam và Bộ Xây dựng. Từ năm 2007, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam là cơ quan bảo trợ cho giải thưởng này.


Giải thưởng Loa Thành (GTLT) được tổ chức hàng năm. Kể từ khi ra đời đến nay, GTLT đã có 2.028 đồ án tham dự, được tuyển chọn từ các đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của 19 trường có đào tạo ngành kiến trúc - quy hoạch và xây dựng trong cả nước, theo đúng tiêu chí của GTLT đã đề ra. Các hội đồng chuyên ngành gồm các KTS, nhà khoa học, chuyên gia có uy tín đã làm việc nghiêm túc, công tâm và dân chủ, giúp Hội đồng GTLT chọn ra những đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất để trao giải. Nếu tính đến GTLT 2013 (lễ trao giải và kỷ niệm 25 năm GTLT được diễn ra sáng ngày 30/11/2013, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội), thì đã có 125 giải nhất; 289 giải nhì; 363 giải ba và 312 giải khuyến khích.


GTLT là một sân chơi lớn và bổ ích của sinh viên các trường đào tạo ngành kiến trúc-xây dựng. Rất nhiều sinh viên đoạt GTLT đã và đang làm việc hiệu quả tại các đơn vị tư vấn thiết kế, hay tiếp tục thành công trên con đường học tập nâng cao, nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành giám đốc các công ty tư vấn thiết kế; là TS, ThS, giảng viên đại học; là cán bộ quản lý ngành xây dựng, kiến trúc quy hoạch ở Trung ương và địa phương. Nhiều trường đã liên tục tham gia GTLT và đạt thành tích cao như: ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, ĐH Thủy lợi, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Phương Đông, ĐH Hàng Hải, ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Duy Tân, ĐH Huế, Học viện Kỹ thuật Quân sự…


Kỷ niệm 25 năm GTLT, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức hội thảo “KTS với Giải thưởng Loa Thành” với hơn 200 đại biểu là KTS, sinh viên kiến trúc, những người đã tham gia GTLT, các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, nhà đầu tư, nhà báo… để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản biện về hiệu quả của giải thưởng đối với xã hội, với giới nghề nghiệp. Qua hội thảo, cùng với cuộc khảo sát đánh giá bởi một đề tài khoa học do Hội KTS Việt Nam thực hiện, đã cho thấy: GTLT đã đóng góp tích cực trong việc định hướng đào tạo trong các trường đại học, giúp nhà trường có những điều chỉnh thích hợp cho sinh viên khi lựa chọn đề tài tốt nghiệp gắn với yêu cầu đòi hỏi của thực tế cuộc sống. GTLT đã góp phần phát hiện tài năng, khuyến khích lòng say mê nghề nghiệp của các KTS, KS trẻ, là tấm vé sang trọng, danh giá, là hành trang đầu tiên để các em tiếp tục trên con đường nghiên cứu, học tập hay hành nghề đầy hấp dẫn và cũng đầy khó khăn thử thách. GTLT là nơi tôn vinh người thày và nhà trường có nhiều đóng góp trong đào tạo và tham gia GTLT.


Bên cạnh đó, qua 25 năm hoạt động, GTLT đã phản ánh một cách rõ nét những bất cập trong đào tạo cũng như trong lựa chọn đề tài tốt nghiệp cho sinh viên ngành kiến trúc - quy hoạch và xây dựng. Đó là chương trình đào tạo, mà kết quả phản ánh qua các đồ án tốt nghiệp, cho thấy giữa nội dung giảng dạy trong nhà trường và đòi hỏi của cuộc sống còn một khoảng cách. Thậm chí, nội dung chương trình đào tạo còn chưa bắt nhịp với tiến trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, rất nhiều đề tài tốt nghiệp có khối lượng lớn, công trình quy mô hoành tráng, vượt quá sức của sinh viên, thiếu tính khả thi, nên vô hình chung không phản ánh đúng năng lực thực sự của sinh viên và nội dung đào tạo trong nhà trường. Nhiều vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi như nhà ở xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tại các vùng đồng bào dân tộc miền núi, công trình phục vụ cộng đồng, bảo tồn di sản, di tích chưa được quan tâm thỏa đáng. Ngoài ra, cũng chưa phát hiện đầy đủ những đồ án tốt nghiệp có ý tưởng sáng tạo, đề xuất tốt, có tính khả thi cao do cách tổ chức tuyển chọn ở nhiều trường chưa thực sự dân chủ và công khai, thiếu tính thuyết phục và thiếu tính định hướng cho sinh viên khi lựa chọn đề tài làm đồ án tốt nghiệp...


GTLT đã đi được chặng đường một phần tư thế kỷ. Hy vọng rằng, bằng sự nỗ lực, đổi mới trong đào tạo, trong việc tổ chức, tuyển chọn đồ án tốt nghiệp tham dự GTLT, sự quan tâm chăm sóc của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp trong xã hội, GTLT sẽ ngày càng phát triển, góp phần tích cực phát hiện tài năng, bổ sung đội ngũ trí thức trẻ có năng lực cho sự nghiệp CNH - HĐH của đất nước trong thế kỷ XXI.


KTS Nguyễn Tấn Vạn Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành 2013

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN