Mô hình trường học - nông trại không những giúp học sinh ăn uống đầy đủ hơn mà còn tạo ra môi trường giáo dục kỹ năng sống rất hiệu quả cho các em”, cô Đinh Thị Thoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (THCS) xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho hay.
Thu hái nấm để cải thiện bữa ăn. |
Tham quan mô hình trường học - nông trại của Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Nậm Chảy, không khỏi ngỡ ngàng bởi quang cảnh xanh, sạch, đẹp của ngôi trường, với từng khu riêng biệt được chia ra thành lớp học, khu chăn nuôi, khu trồng trọt, nhà làm nấm để cải thiện bữa ăn.
Ngôi trường Nậm Chảy như một công viên. |
Các em học sinh bán trú trong trường được phân chia thành 3 tổ chăn nuôi, trồng trọt và trồng nấm. Sau giờ học, các em hứng khởi đi làm nhiệm vụ của mình.
Ngoài giờ học, học sinh được trải nghiệm trồng trọt. |
Em Sùng Thị Tỷ, dân tộc Mông, học sinh lớp 9, khoe: “Em rất thích được làm việc ở trang trại sau giờ học. Tự tay mình trồng trọt, chăn nuôi, bữa cơm vừa có thêm nhiều món ngon, vừa có thêm kiến thức về cây trồng, vật nuôi”.
Những lúc rảnh rỗi, phụ huynh đến trường chung sức làm đất trồng rau cùng con em mình. |
Hàng chục con gà của các em nuôi đã cho trứng. |
Sau mấy năm thực hiện mô hình này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Nậm Chảy sạch đẹp như một nông trại thực thụ. Những sản phẩm làm ra đã đủ cung cấp cho các em những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. “Những lúc nhà trường trồng được nhiều rau, cô trò lại bán cho người dân xung quanh để lấy tiền mua thịt về cho các em.
Hàng ngày các em được xem vô tuyến để lĩnh hội các thông tin thường nhật. |
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nhà trường tổ chức liên hoan văn nghệ và mổ lợn, gói bánh chưng vui lắm, vừa để học sinh được hưởng không khí Tết, vừa góp phần duy trì tốt hơn tỷ lệ chuyên cần”, cô Thoan chia sẻ.
Trọng Thủy