Các chuyên gia phân tích ngày 17/6 cho biết ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã đến mức phải mất ít nhất 18 năm để có thể cải thiện chất lượng lên mức chấp nhận được.
Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh mịt mù trong khói bụi ngày 2/6. Ảnh: AP. |
Vấn đề ô nhiễm không khí đã diễn ra phổ biến trên cả nước, đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô Bắc Kinh với mức độ ô nhiễm đo được cao hơn 40 lần so với giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngày 14/6 vừa qua, chính phủ nước này đã công bố các biện pháp cải thiện môi trường, trong đó có việc gắn trách nhiệm bảo đảm chất lượng không khí cho các quan chức địa phương và giảm mức độ ô nhiễm của các ngành công nghiệp chủ chốt gây ô nhiễm xuống mức 30% trong vòng 5 năm tới.
Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đánh giá cao các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm của chính phủ Trung Quốc, song đồng thời cảnh báo “phải mất ít nhất 18 năm, trước khi chỉ số PM2.5 trung bình ở các thành phố của Trung Quốc giảm xuống mức 30”.
PM2.5 là một chỉ số đo các hạt bụi cực nhỏ, có kích thước bằng 1/30 sợi tóc, có thể gây nên các vấn đề về hô hấp đối với con người. WHO khuyến cáo chỉ số này ở mức 30 là chấp nhận được.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề về môi trường công cộng của Trung Quốc, cho biết các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường mới được công bố “là lời giải đáp đối với những quan ngại của công chúng”. Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo “việc đưa các biện pháp này thành hành động cụ thể thực sự sẽ là một thách thức lớn”, bởi lẽ trong khi chính quyền trung ương Trung Quốc nổ lực cải thiện chất lượng môi trường, thì các quan chức địa phương lại đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế quan trọng hơn cải thiện môi trường.
Theo báo cáo của viện nghiên cứu HEI có trụ sở ở Mỹ công bố hồi tháng 3 vừa qua, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là nguyên khiến 1,2 triệu người nước này chết sớm trong năm 2010.
L.H (theo AFP)