CHDCND Triều Tiên ngày 18/4 đã đưa ra các điều kiện để tiến hành đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và đảm bảo dừng toàn bộ các cuộc tập trận quân sự chung Hàn - Mỹ trong tương lai.
Xe chở vật dụng cần thiết dành cho các công nhân Hàn Quốc ở khu công nghiệp Kaesong tại thành phố biên giới Paju ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên dẫn tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ, để Bình Nhưỡng nối lại đối thoại, Mỹ và Hàn Quốc cần ngừng các hành động khiêu khích, xin lỗi về hành động gây hấn của họ và đảm bảo không tiến hành "trò chơi chiến tranh hạt nhân" để đe dọa Triều Tiên. Tuyên bố cũng kêu gọi Washington và Seoul rút các vũ khí hạt nhân đã triển khai tại Hàn Quốc và xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời đảm bảo không tái triển khai trong tương lai.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae đã bác bỏ tin đồn rằng Seoul đã tiến hành một “cuộc gặp bí mật” với Bình Nhưỡng sau khi nước này đưa ra đề xuất hội đàm liên Triều để giải quyết vấn đề liên quan đến khu công nghiệp chung Kaesong.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc, ông Ryoo Kihl-jae một lần nữa khẳng định “không có bất kỳ cuộc tiếp xúc bí mật nào giữa hai bên”. Mặc dù lập trường của Seoul là không thay đổi trong việc duy trì sự đáp trả mạnh mẽ trước bất cứ "hành động khiêu khích" nào của Bình Nhưỡng, song nước này vẫn mong muốn giải quyết các vấn đề tồn tại với Triều Tiên thông qua đối thoại.
Ngoài vấn đề khu công nghiệp Kaesong, Hàn Quốc cũng muốn thảo luận với Triều Tiên một số vấn đề khác liên quan đến quan hệ song phương. Ông Ryoo Kihl-jae nói: “chúng tôi đang sử dụng tất cả các kênh và nỗ lực hết mình”, tin tưởng chắc chắn rằng sẽ có sự thay đổi “trong tương lai gần”.
Tuần trước, ông Hàn Quốc đã đề nghị Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán để cùng tìm giải pháp đưa khu công nghiệp Keasong trở lại hoạt động bình thường, song phía Triều Tiên luôn từ chối. Sau đó đã có những nghi ngờ rằng có các cuộc “tiếp xúc bí mật” giữa hai bên.
Ngày 17/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã hối thúc Triều Tiên xem xét "nghiêm túc" đề xuất đối thoại của Hàn Quốc. Ông cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho một cuộc đối thoại "đầy ý nghĩa" giữa hai miền.
Đầu tháng này, Triều Tiên đã đóng cửa khu công nghiệp Keasong, rút hết 53.000 công nhân nước này, song vẫn còn khoảng 200 lao động Hàn Quốc đang mắc kẹt ở đây.
TTXVN/Tin Tức