Trẻ mắc bệnh hô hấp, truyền nhiễm tăng cao

Thời tiết nồm, ẩm kéo dài nhiều ngày qua tại miền Bắc là nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhi hô hấp gia tăng. Tại miền Nam, trẻ em cũng đang bị “tấn công” bởi nhiều dịch, bệnh như : Sởi, thủy đậu, chân tay miệng, sốt xuất huyết…


Không tự ý dùng thuốc


“Trong những ngày cuối tuần, khoa Nhi, BV Bạch Mai khám và điều trị cho gần 200 trẻ, trong khi bình thường chỉ khoảng 120 cháu. Phần lớn trẻ nhập viện do mắc bệnh hô hấp, bệnh sởi…”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết.

Điều trị cho bệnh nhi sởi tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: Phương Liên


Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, kiểu thời tiết nồm, độ ẩm cao diễn ra nhiều ngày tại miền Bắc vừa qua là điều kiện lý tưởng cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, do không thích nghi kịp với sự “đỏng đảnh” của thời tiết nên trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Đó chính là lý do vì sao thời điểm hiện nay, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh hô hấp và một số bệnh truyền nhiễm.


Ngoài bệnh hô hấp, thời gian gần đây, ngày nào khoa Nhi cũng tiếp nhận bệnh nhi mắc sởi đến khám, điều trị. Đa phần bệnh nhi sởi nặng đều dưới 1 tuổi, chưa được tiêm phòng vắcxin. Đáng lưu ý, mùa dịch năm nay, xuất hiện một số bệnh nhi viêm phổi nặng do biến chứng từ bệnh sởi.


ThS Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết: “Ước tính, mỗi ngày, tại bệnh viện có khoảng 3.000 bệnh nhi đến khám, điều trị; tập trung chủ yếu là các bệnh hô hấp, sởi, cúm, thủy đậu”.


Theo ThS Trần Văn Học, nếu xét về số liệu thì lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại BV Nhi TƯ thì không có gì đột biến. Tuy nhiên, thực tế, có rất nhiều trẻ mắc bệnh, nhất là bệnh hô hấp, đang được điều trị tại nhà hoặc ở những phòng khám tư.


“Nếu không điều trị đúng, kịp thời, trẻ mắc bệnh hô hấp có thể bị viêm tai giữa, suy dinh dưỡng, thậm chí tại BV đã có trường hợp bị nguy kịch. Vậy nên, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ hoặc đưa trẻ tới những phòng khám không chuyên nhi. Khi trẻ có biểu hiện bất thường như sốt, ho, thở nhanh…, cần đưa tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời”, ThS Trần Văn Học khuyến cáo.


Nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu


Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với rất nhiều loại dịch bệnh, trong đó, đáng lo ngại nhất là dịch sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Nguyên nhân do thời tiết thay đổi, dù là mùa khô nhưng thời tiết vẫn còn lạnh vào đầu và cuối ngày, khiến một số dịch bệnh có xu hướng tăng.


So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 28%, dù không trong mùa dịch. Hiện tại, dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hai tháng qua, thành phố đã ghi nhận hơn 200 ca sởi nặng phải nhập viện, chủ yếu ở BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và BV Bệnh nhiệt đới.


Đặc biệt, trong tháng 2 vừa qua, thành phố đã xuất hiện một chùm ca bệnh thủy đậu tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3. Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với trường học và địa phương để cách ly và điều trị ngoại trú cho 10 học sinh mắc bệnh; đồng thời, triển khai khử khuẩn, giám sát chặt chẽ nơi học và nơi ở. Đến nay, sau 10 ngày phát hiện ca cuối cùng vẫn chưa có thêm ca bệnh mới tại trường. Tuy ổ dịch đã được kiểm soát và xử lý kịp thời nhưng đây cũng là dấu hiệu của nguy cơ bùng phát chùm ca bệnh tại trường học trong thời gian tới.


Để phòng chống nhiều dịch bệnh có thể lây lan, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã chỉ đạo cho các Trung tâm y tế dự phòng quận huyện triển khai các hoạt động rà soát các dịch bệnh thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, phòng dịch cúm gia cầm... Ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền cách phòng chống các dịch bệnh trong trường học, để hạn chế thấp nhất sự xuất hiện các chùm ca bệnh.


Về phía Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân đều phải chủ động phòng bệnh sởi, thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắcxin phòng bệnh. Với bệnh sởi, trong tháng 3 - 4, ngành Y tế sẽ triển khai Chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm vắcxin chưa đầy đủ. Với bệnh thủy đậu, người dân cần chủ động tiêm phòng diện dịch vụ (vắcxin phòng bệnh thủy đậu không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng).


Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, thời điểm hiện nay, các bậc phụ huynh cần chú ý việc đảm bảo thân nhiệt cho trẻ. Nếu có điều kiện thì nên bật điều hòa, máy hút ẩm để giảm độ ẩm trong những ngày độ ẩm tăng cao. Khi thời tiết chuyển lạnh, cần giữ ấm cho trẻ, hạn chế việc đưa trẻ ra đường và đến những nơi đông người. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, đảm bảo dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.


Phương Liên - Hứa Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN