Trạm cấp nước Chí Đám lại bị khóa

Cuối năm 2003, người dân xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ mừng rỡ khi chương trình nước sạch nông thôn về xã. Giấc mơ “tiến kịp miền xuôi” về phương diện nước máy ngỡ đã trong tầm tay, nhưng...

 

Hồi hộp hi vọng

 

Thế rồi, niềm vui cứ vơi dần theo năm tháng. Công trình cấp nước xây dựng xong rất bề thế trên đỉnh gò cao thôn Ngọc Chúc tạm thời đắp chiếu chờ… điện. Đường ống dẫn về các thôn, theo quốc lộ 2 cũng bị bỏ quên... Tám năm sau ngày khởi công, cuối năm 2011, công trình này mới được khởi động trở lại. Đơn vị xây dựng bàn giao cho Công ty cổ phần Xây lắp điện nước Phú Thọ quản lý, vận hành, khai thác. Sau đó công ty này giao cho Xí nghiệp cấp nước Đoan Hùng trực tiếp vận hành.


Người dân xã Chí Đám mòn mỏi trông chờ nước sạch.

 

Các hộ dân xã Chí Đám ở các thôn dọc ven quốc lộ 2 và các xóm lân cận lại một lần háo hức đón chờ dòng nước mát. Mọi người đăng ký sử dụng nước sạch, mỗi hộ đóng góp từ 1 - 1,2 triệu đồng để lắp đặt các thiết bị và vốn ban đầu. Nhiều hộ phải “nói khó” thì xí nghiệp cấp nước Đoan Hùng mới lắp thiết bị và đấu đồng hồ cho sử dụng nước sạch. Những trục trặc ban đầu như áp lực yếu, lắp đặt chậm... dần dần được khắc phục. Rồi nước cũng đã đến được với 130 hộ dân đầu tiên của xã.


Trạm cấp nước Chí Đám bỏ không trong khi dân thiếu nước sạch.

 

Thế nhưng, sau gần một năm có nước, những tháng gần đây, không hiểu vì lý do gì mà xí nghiệp cấp nước Đoan Hùng đột ngột ngừng cung cấp nước cho bà con xã Chí Đám. Và công trình tiền tỷ của Nhà nước cùng hơn 130 triệu đồng của dân lại thêm một lần đắp chiếu. Rất nhiều người bức xúc, một số hộ lấp giếng, dỡ đường ống dẫn nước, tháo dây điện của các giếng tự đào từ xa, lắp đặt thủ công dẫn nước về nhà nay lại ngậm đắng nuốt cay lắp đặt lại để tự bơm nước như xưa. Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cũng ở chung tình cảnh. Một số trường học, công ty, trạm xăng dầu trên địa bàn có nguyện vọng cấp nước chưa được triển khai. Trong khi đó, những đồng hồ, bể, téc, ống dẫn đã lắp đặt của công ty, tiền đã nộp cho công ty thì chềnh ềnh ra không một giọt nước.


Nước xa không cứu được lửa gần


Điều III của “Hợp đồng Cung cấp tiêu thụ nước máy” ký giữa Công ty cổ phần Xây lắp điện nước Phú Thọ với từng chủ hộ dùng nước ghi rõ: “Trách nhiệm của bên cung cấp: Cung cấp nước ổn định cho các hộ gia đình, cơ quan”, “khi sửa chữa thông báo đến đơn vị (tổ, khu phố)”. Vậy mà, vòi nước cứ lặng lẽ khô ráo, làm đảo lộn sinh hoạt của các gia đình dùng nước máy. Người dân hỏi cán bộ xã, huyện thì đều nhận được sự hứa hẹn để xem xét “chờ” Công ty Xây lắp điện nước Phú Thọ ở mãi tận dưới Việt Trì. Đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”. Nhiều người dân đã bức xúc cho rằng mình bị doanh nghiệp lừa tiền để đắp đổi vào công trình khác.

 

Dù của nhân dân hay doanh nghiệp đầu tư thì đó là tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nhà nước đã đầu tư 2 tỷ đồng và nhân dân cũng bỏ ra hơn trăm triệu đồng mong muốn được sử dụng nước sạch. Đừng để công trình nước sạch Chí Đám cùng những đồng hồ, bể nước của các hộ dân thêm một lần đắp chiếu. Chương trình xây dựng nông thôn mới cần lắm hạng mục này. Nên chăng hãy giao công trình này về cho xã trực tiếp quản lý vận hành để người dân Chí Đám có nước sạch dùng trong mùa khô và ổn định cuộc sống theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Hợp tác để sử dụng nước hiệu quả

Mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân hãy tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm quản lý, khai thác, sử dụng nước và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cùng nhau hợp tác để giảm thiểu các tác hại của nước, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải

 

Tích cực tìm kiếm mạch nước ngầm

Đối với 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường thăm dò nguồn nước và đã tiến hành khoan 23 lỗ khoan với tổng lưu lượng gần 10.000m3/ngày đêm, đủ cung cấp cho 10 vạn dân với mức sinh hoạt tối thiểu 80 lít/người/ngày. Đây là niềm vui lớn không chỉ đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn là niềm vui của cả bà con các dân tộc miền núi Hà Giang. Hiện nay, bà con sử dụng chủ yếu là nguồn nước mưa chứa trong các hồ treo nên việc cấp nước vào mùa khô hết sức khó khăn do không có khả năng sinh thủy. Chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm mạch nước ngầm. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ để tiếp tục triển khai xây dựng các công trình khai thác nước sinh hoạt phục vụ cho nhân dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường

 

Điều tra, đánh giá nước ngầm

40 năm qua, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc đã điều tra cơ bản về địa chất thủy văn, địa chất công trình, tìm kiếm, thăm dò, điều tra, đánh giá tài nguyên nước kể cả nước khoáng, nước nóng, quy hoạch tài nguyên nước, điều tra địa chất đô thị, điều tra địa chất môi trường, quan trắc tài nguyên nước… Liên đoàn đã hoàn thành điều tra đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất ở 33 vùng thị trấn, thị tứ thuộc 19 tỉnh miền núi phía Bắc; xác định được 34.000m3/ng nước dưới đất có chất lượng tốt, có thể xây dựng các công trình khai thác quy mô nhỏ phục vụ dân sinh. Liên đoàn đã điều tra ở 13 vùng thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Giang, phát hiện 38 lỗ khoan có nước, có thể khai thác được với tổng lưu lượng 15.000 m3/ng và xây dựng công trình khai dẫn đơn giản phục vụ nhân dân. Liên đoàn là lực lượng nòng cốt thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá nước dưới đất 15 tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ"...

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kềnh, Quyền Liên đoàn trưởng Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc

 

Bài và ảnh: Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN