Tối 23/2, nhân ngày "Bảo vệ tổ quốc", Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia-1, đề cập tới mối quan hệ với Ukraine, vấn đề Crimea và thỏa thuận Minsk.Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, khi được yêu cầu bình luận về khả năng nổ ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine, ông Putin cho rằng kịch bản "kinh khủng" này khó có thể xảy ra và ông cũng bày tỏ hy vọng điều này sẽ không bao giờ đến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bình luận về tuyên bố lấy lại Crimea của Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga nói tuyên bố này mang tính phục thù chứ không phải việc lấy lại các khu vực nào đó trên thực tế.
Vị Tổng thống 62 tuổi cho rằng trước tiên lãnh đạo Ukraine cần đưa đất nước trở lại với cuộc sống bình thường, điều chỉnh nền kinh tế, đời sống xã hội, thiết lập quan hệ với vùng Đông Nam một cách văn minh đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích của người dân ở Donbass.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi không phóng đại cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ông nêu rõ: "Điều tồi tệ nhất là kích động cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, và những âm mưu kích động cuộc xung đột này".
Tổng thống Putin cho rằng Kiev đang tìm cách biện minh cho thất bại quân sự của mình và đổ lỗi cho Nga. Ông tin tưởng nếu các thỏa thuận Minsk được thực thi, tình hình sẽ từng bước quay trở lại bình thường. Châu Âu cũng quan tâm tới việc thực thi thỏa thuận Minsk không kém gì Nga bởi không ai cần tới một cuộc xung đột ở châu Âu, hơn nữa lại là xung đột quân sự.
Trong một diễn biến khác cùng ngày 23/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức cuộc tranh luận công khai nhân dịp tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức, trong đó nội dung bàn về vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Phát biểu tại cuộc tranh luận, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ quan điểm rằng, HĐBA LHQ cần làm đúng thẩm quyền của mình, đồng thời thực sự trở thành một công cụ hiệu quả và có tầm ảnh hưởng đối với việc gìn giữ hòa bình và an ninh, thay vì trở thành một đấu trường của cuộc đấu tranh tuyên truyền, trong đó LHQ sẽ có nguy cơ bị gạt sang một bên trong các vấn đề quan trọng của quốc tế.
Theo ông Lavrov, nếu LHQ không đi đúng con đường của mình, thể chế này sẽ tác động tiêu cực đến nền tảng quốc tế và khu vực, và sẽ tự làm suy yếu khả năng của mình trong việc giải quyết các vấn đề nóng hiện nay, trong đó có vấn đề Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, việc áp đặt các vấn đề liên quan đến chủ quyền, áp đặt các quyết định và tiêu chuẩn của LHQ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tư tưởng là những phương pháp mang tính thống trị toàn cầu và không lành mạnh.
Theo ông Lavrov, để tránh những tác động tiêu cực trên xảy ra, LHQ cần rút ra những bài học từ quá khứ, trong đó điều mà họ bỏ quên chính là hậu quả từ cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Bắc Phi đã biến những khu vực này trở thành mảnh đất màu mở cho chủ nghĩa cực đoan phát triển mạnh.
Ngoại trưởng Nga cũng đã cáo buộc Mỹ đẩy khu vực Trung Đông rơi vào tình trạng hỗn loạn và kích động sự trỗi dậy của những phần tử cực đoan vì những âm mưu của Washington nhằm thống trị thế giới.
Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng đã chỉ trích gay gắt những chính sách của Washington tại phiên thảo luận đặc biệt này. Ông viện dẫn các cuộc oanh kích do Mỹ cầm đầu ở Syria, cuộc xâm lược Iraq hồi năm 2003 và sự can thiệp quân sự vào Libya hồi năm 2011 như là những minh chứng của “sự vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ”.
Ông Lavrov nói: “Tất cả điều này là hệ quả của những mưu đồ nhằm chi phối các vấn đề toàn cầu, thống trị tất cả, mọi nơi, sử dụng sức mạnh quân sự nhằm đơn phương theo đuổi những lợi ích của ai đó. Những điều này đã đẩy Trung Đông và Bắc Phi vào tình trạng bất ổn và hỗn loạn, và trong một chừng mực nào đó đã tạo ra mầm mống cho những phần tử cực đoan trỗi dậy”.
Hiện nay, mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đang tiếp tục xấu đi do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine. Mỹ và các đồng minh liên tục cáo buộc Moskva có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó cho rằng Nga can thiệp vào vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia láng giềng – điều mà Nga vẫn bác bỏ.
TTXVN/Tin tức