Tổng thống Nga ký hiệp ước sáp nhập Crimea

Ngày 18/3, chỉ hai ngày sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ở Crimea (Crưm), nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine này đã trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Sự kiện này được xác nhận bằng một hiệp ước do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết cùng Thủ tướng Sergei Aksyonov và các lãnh đạo khác của Crimea.


Hiệp ước và thông điệp lịch sử


Hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga đã được ký kết sớm hơn dự kiến, trong một buổi lễ lịch sử dưới sự chứng kiến của quốc hội Nga, các chủ thể Liên bang Nga, giới báo chí. Quốc hội Nga đã vỡ òa trong tiếng vỗ tay hân hoan sau lễ ký kết. Tuyên bố của Điện Kremlin có đoạn: Cộng hòa Crimea được coi là một phần của Nga kể từ ngày ký kết hợp ước. Crimea và thành phố Sevastopol, nơi có căn cứ chính của hạm đội Biển Đen của Nga, đang được sáp nhập vào Nga với tư cách các khu vực thành phần mới. Hiệp ước này giờ chỉ cần quốc hội Nga thông qua là có đầy đủ hiệu lực.

Người dân theo dõi thông điệp của Tổng thống Putin qua một màn hình lớn ở Sevastopol ngày 18/3.


Lễ ký kết hiệp ước giữa Tổng thống Nga và lãnh đạo Crimea diễn ra ngay sau khi ông Putin có một bài phát biểu vừa đanh thép vừa xúc động nhằm về việc sáp nhập Crimea vào Nga. Bản thông điệp kéo dài 45 phút bị ngắt quãng liên tục bởi 33 đợt vỗ tay.


Trong bản thông điệp, ông Putin tuyên bố: “Trong tâm trí người dân, Crimea đã và vẫn luôn luôn là một phần không thể chia cắt của Nga... Khi Crimea đột nhiên thuộc về một quốc gia khác, nước Nga cảm thấy rằng Crimea không đơn giản là chỉ bị đánh cắp, mà là bị tước đoạt”.


Tổng thống Putin khẳng định trong lịch sử, Crimea đã là lãnh thổ lịch sử của Nga, luôn có vị trí gần gũi trong trái tim của mỗi người dân Nga, và việc Crimea trở thành một phần của Ukraine là do một quyết định sai lầm cá nhân. Các sự kiện đảo chính vừa qua tại Ukraine cùng với các quyết định vi phạm lợi ích người dân, phân biệt đối xử, cụ thể là luật ngôn ngữ đã vi phạm thô bạo ích lợi của người nói tiếng Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến Crimea nơi có đông người nói tiếng Nga. Tổng thống Putin tuyên bố Nga không thể làm ngơ trước những nguy cơ đe dọa với người dân Crimea, không thể phản bội lại đồng bào. Nước Nga phải tạo điều kiện để người Crimea được thực hiện quyền tự quyết của mình. Và quyết định trưng cầu dân ý trong bối cảnh đó là quyết định duy nhất để tránh căng thẳng leo thang tại khu vực bán đảo này. Tổng thống Nga khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về quyết định sáp nhập vào Nga của bán đảo Crimea hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc dân chủ và từ nay trên bán đảo sẽ lưu hành song song ba ngôn ngữ: Nga, Ukraine và Tatar.


Để khẳng định tuyên ngôn độc lập của Crimea là hợp pháp, Tổng thống Nga dẫn các luật quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, ông còn nhắc lại các tiền lệ như tỉnh Kosovo của CH Serbia và thậm chí việc Ukraine từng tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô hơn 20 năm trước đây hoàn toàn giống như trường hợp của Crimea hiện nay.


Ông Putin khẳng định Nga không can thiệp quân sự vào Crimea, không vi phạm các thỏa thuận về số lượng binh sĩ tại bán đảo này, và trong suốt quá trình trưng cầu dân ý đã không xảy ra một tiếng súng, không có một nạn nhân nào. Người dân Crimea đã được tự do lựa chọn và họ đã lựa chọn gắn số phận với Nga với tỷ lệ rất cao (gần 97%). Nga tôn trọng quyết định đó và trên cơ sở luật pháp quốc tế về quyền tự lựa chọn của các dân tộc, Nga tuyên bố tiếp nhận vào liên bang hai chủ thể mới là CH Crimea và thành phố Sevastopol.


Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Putin lên án các phần tử cực đoan thân phương Tây đã lợi dụng sự bất bình của người dân đối với chính quyền và gây ra bất ổn xã hội, trong bối cảnh hiện nay chỉ có nhân dân Ukraine mới có quyền lập lại trật tự tại đất nước mình.


Trước các tuyên bố trừng phạt Nga từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Putin tuyên bố Nga luôn sẵn sàng và đã "quen" đối mặt với các thái độ thiếu thân thiện. Nga sẽ luôn bảo vệ hàng triệu công dân của mình nói riêng và người dân nói tiếng Nga nói chung bằng mọi biện pháp ngoại giao, chính trị. Nga tin tưởng vào tính chất pháp lý trong quyết định của mình, hy vọng vào sự thông thái của các đối tác và sẽ đáp trả thích đáng.


Dồn dập sức ép


Ngay sau khi có những bước đi tiếp nhận CH Crimea, Nga tiếp tục đối mặt với những phản ứng từ Mỹ, phương Tây và Ukraine.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 18/3 tuyên bố Ukraine sẽ không bao giờ công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga. Các nước phương Tây cũng liên tiếp lên án động thái này của Nga. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden coi hành động của Nga là “chiếm đoạt” và cảnh báo rằng Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ “tăng cường trừng phạt Nga”. Thủ tướng Đức Angela Merkel coi hành động sáp nhập Crimea vào Nga là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết sẽ ngừng mọi hoạt động hợp tác quân sự song phương với Nga, bao gồm ngừng đàm phán một hiệp định hợp tác kỹ thuật và các cuộc tập trận chung giữa hải quân Nga, Pháp, Anh và Mỹ. Pháp cũng cho biết nước này có thể ngừng bán tàu chiến cho Nga.


Trước đó, Mỹ và EU đã quyết định loại Nga khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8). Phát biểu trên Đài phát thanh Erop - 1 ngày 18/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố: “Đối với G8 - một hình thức đối thoại chính trị của các nước lớn, chúng tôi đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga”.


Trong một bước đi phản đối cụ thể, Canada là nước mới nhất đã thực thi các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga. 10 quan chức của Nga, Ukraine sẽ bị cấm vào Canada và bị phong tỏa tài sản ở Canada vì đã “hủy hoại chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của Ukraine”. Trước đó, Mỹ và EU đã thông qua các quyết định cấm vận tương tự lần lượt đối với 11 và 21 quan chức Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Merkel vẫn bày tỏ rằng phương Tây sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga.


H.T - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN