Tổng thống Libi: Chiến đấu tới"giọt máu cuối cùng"

Phát biểu trên kênh truyền hình ngày 23/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Libi Moammar Gadhafi kêu gọi người ủng hộ ông xuống đường chống lại người biểu tình phản đối chính phủ, đồng thời khẳng định sẽ chiến đấu tới "giọt máu cuối cùng". Ông cũng thúc giục người ủng hộ chiếm lại quyền kiểm soát thủ đô Tripôli và các thành phố khác.

Công dân nước ngoài hối hả rời khỏi Libi ngày 23/2 do tình trạng bất ổn tại nước này ngày càng gia tăng. Ảnh: AFP – TTXVN


Sau bài phát biểu, những người ủng hộ ông Gadhafi nổ súng để biểu thị sự ủng hộ. Họ tập trung ở quảng trường Green tại Tripôli mang theo ảnh chân dung tổng thống và vẫy cờ. Trước đó, sau 1 tuần nổi dậy, người biểu tình phản đối chính phủ đã tuyên bố kiểm soát hầu như toàn bộ nửa phía đông bờ biển Địa Trung Hải của Libi, trong đó có nhiều khu vực sản xuất dầu. Chính phủ Libi cho biết, từ ngày 15/2 đến nay đã có 300 người thiệt mạng, trong đó có 111 binh sỹ và 189 dân thường.

Trước những diễn biến đáng lo ngại và tình hình bạo lực nghiêm trọng ở Libi, cộng đồng quốc tế đã có nhiều phản ứng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn về cuộc khủng hoảng ở Libi và đưa ra một tuyên bố, trong đó kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực", đồng thời thúc giục chính phủ Libi cần phải bảo vệ người dân nước này cũng như bảo đảm an toàn cho người nước ngoài và các nhà hoạt động nhân đạo có thể tiếp cận với những người bị thương. Ngoài ra, Hội đồng bảo an còn kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho người dân Libi.

Bà Catherine Ashton, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, kêu gọi Tổng thống Libi Moammar Gadhafi ngừng ngay hành động trấn áp và tổ chức đối thoại. Bà Ashton còn cho biết, các quốc gia châu Âu đang thảo luận những biện pháp trừng phạt Libi, trong đó có việc ngừng đàm phán về thỏa thuận khung quan hệ EU-Libi.


Trong khi đó, Pêru đã trở thành quốc gia đầu tiên đình chỉ quan hệ ngoại giao với Libi ngày 22/2 để phản đối chính phủ nước này. Tổng thống Pêru, ông Alan Garcia, cho biết sẽ đình chỉ quan hệ ngoại giao cho tới khi tình hình bạo lực chấm dứt. Về phần mình, Liên đoàn Arập (AL) đã cấm Libi tham gia các cuộc họp trong tương lai của AL và bất kỳ tổ chức, cơ quan nào liên quan đến AL.

Lo ngại cho sự an toàn của công dân đang sống và làm việc tại Libi, các quốc gia châu Á ngày 23/2 bắt đầu sơ tán công dân khỏi Libi. Nhiều chính phủ đang sắp xếp các phương án di chuyển bằng đường hàng không, đường thủy và đường bộ qua Ai Cập.


Phần lớn người nước ngoài ở Libi là các công nhân ký hợp đồng làm việc ở Libi, trong đó có khoảng 60.000 người Bănglađét, 30.000 người Philíppin, 23.000 người Thái Lan và 18.000 người Ấn Độ. Trung Quốc cũng sẵn sàng di dời 30.000 công dân mà phần lớn làm việc trong các dự án đầu tư dầu, đường sắt và viễn thông khỏi Libi. Chính phủ Thái Lan đã liên lạc với công dân của mình ở Libi và thông báo họ chuẩn bị sẵn sàng để di dời. Xri Lanca đã liên lạc với Tổ chức di trú quốc tế để nhờ hỗ trợ phương tiện sơ tán cho 1.200 công dân nước này.

Tương tự, Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng chuẩn bị kế hoạch sơ tán công dân. Mỹ thông báo sẽ di dời công dân bằng phà từ thủ đô Tripôli đến Valletta (Manta) bắt đầu từ 10 giờ ngày 23/2 (giờ địa phương). Pháp, Đức, Anh, Italia, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha… cũng thông báo kế hoạch sơ tán tương tự.

Thùy Dương (tổng hợp)

Lao động Việt tại Libi vẫn an toàn

Ngày 23/2, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã thảo luận và bàn bạc kỹ các phương án để hỗ trợ cho người lao động Việt Nam tại Libi. “Theo thông tin chúng tôi nhận được, toàn bộ lao động Việt Nam đang làm việc ở Libi đến nay vẫn chưa ai bị nguy hiểm đến tính mạng”.

Theo ông Quỳnh, Chính phủ đang tập trung mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động. Trường hợp xấu nhất, sẽ hỗ trợ để người lao động được về nước.

Trong số gần 10.000 lao động đang làm việc ở quốc gia Bắc Phi này, có khoảng 2.000 lao động đang làm tại Tripôli và các vùng lân cận. Hiện nay, hầu hết các công trường đều đã tạm dừng hoạt động. Lao động Việt Nam đã được chủ sử dụng yêu cầu ở trong trại hoặc sơ tán đến nơi an toàn, được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm.

Chiều 22 và 23/2, Cục đã liên tục họp với đại diện các doanh nghiệp trực tiếp đưa lao động Việt Nam sang Libi làm việc. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với đối tác đảm bảo an toàn và đời sống cho người lao động Việt Nam. Hiện có 10 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động sang Libi làm việc.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN