Tổng thống bị phế truất Ukraine họp báo tại Nga

Ngày 28/2, Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych của Ukraine đã có mặt tại một cuộc họp báo do Phó Giám đốc hãng tin Itar - Tass chủ trì ở thành phố Rostov - on - Don, miền nam nước Nga. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông Yanukovych kể từ khi rời Ukraine ngày 22/2 vừa qua.

 

Lực lượng an ninh gác bên ngoài sân bay Simferopol ở Crimea ngày 28/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Phát biểu trước 200 phóng viên, ông Yanukovych một lần nữa khẳng định ông vẫn là Tổng thống của Ukraine và kiên quyết yêu cầu các thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ký ngày 21/2 phải được thực hiện, khởi động và kết thúc cải cách hiến pháp vào tháng 9/2014 nhằm cân bằng tất cả các nhánh quyền lực, sau đó tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 12/2014 và thông qua hiến pháp mới, coi đây là lối thoát khỏi tình huống khủng hoảng trong nước hiện nay.


Ông cáo buộc Mỹ đã hỗ trợ các phần tử cực đoan tại Ukraine và là nguyên nhân dẫn đến bất ổn tại quốc gia này; khẳng định quyền lực ở Ukraine hiện nằm trong tay những “kẻ lưu manh” ủng hộ chủ nghĩa phát xít. Ông Yanukovych khẳng định chưa hề gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và không có ý định yêu cầu Moskva trợ giúp quân sự.


Tổng thống Yanukovych tuyên bố sẽ trở lại Ukraine tại thời điểm có được sự an toàn cho bản thân, đồng thời đưa ra lời xin lỗi người dân Ukraine về những biến cố vừa xảy ra.


Căng thẳng tiếp diễn tại Crimea


Trong khi đó, tình hình tại bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu sau vụ hàng chục tay súng chiếm trụ sở tòa nhà chính quyền hôm 27/2.


Ngày 28/2, Hội đồng Tối cao Nước cộng hòa tự trị Crimea đã thông qua quyết định giải tán Hội đồng các Bộ trưởng Crimea, cách chức Chủ tịch Anatoly Mogilyov. Liền sau đó, ông Sergei Aksyonov - lãnh đạo đảng Đoàn kết Nga - đã được bầu làm Chủ tịch mới.


Cùng ngày, nhà lãnh đạo tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov đã triệu tập phiên họp khẩn cấp Hội đồng quốc phòng an ninh (NSDC) để thảo luận những diễn biến tại Crimea. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Thư ký Hội đồng Andrei Parubiy cho biết NSDC đang cân nhắc khả năng áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Crimea


Trong một diễn biến có liên quan, Hạm đội Biển Đen của Nga ngày 28/2 khẳng định không dính líu tới vụ chiếm giữ và phong tỏa sân bay quân sự Belbek ở Crimea, nơi hạm đội này đang đóng quân. Thông cáo báo chí của Hạm đội Biển Đen nói rõ không đơn vị nào thuộc hạm đội này được triển khai ở sân bay Belbek hay tham gia việc phong tỏa sân bay. Tuy nhiên, thông cáo nhấn mạnh do tình hình bất ổn, các đơn vị chống khủng bố của Hạm đội Biển Đen đã tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ các khu vực đóng quân của mình ở Crimea cũng như nơi ở của các quân nhân thuộc hạm đội này và gia đình họ tại đây.


Trước đó cùng ngày, chính quyền mới ở Ukraine cho biết hai sân bay ở Crimea, gồm sân bay quốc tế ở Simferopol và sân bay quân sự gần cảng Sevastopol, đã bị các nhóm vũ trang kiểm soát và chiếm giữ. Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine Arsen Avakov cáo buộc các lực lượng thân Nga thực hiện hành động này.


Quan điểm cương quyết của Nga


Tại phiên họp ngày 28/2, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin để ngỏ khả năng yêu cầu Ủy ban Venice (Cơ quan tư vấn của Hội đồng châu Âu về các vấn đề pháp lý) xem xét tính hợp pháp của việc phe đối lập lên nắm quyền ở Ukraine, cũng như tiến trình pháp lý trong quyết định gần đây của Quốc hội Ukraine.


Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov cho biết: Nghị quyết của Quốc hội Ukraine loại bỏ Tổng thống Yanukovych là hoàn toàn không hợp pháp, khi mà thỏa thuận ký kết trước đó ít giờ vẫn nói rằng ông Yanukovych sẽ đảm nhận cương vị tổng thống cho đến thời điểm bầu cử trước thời hạn. Ông Pushkov cũng nhìn nhận, Crimea có quyền tiến hành trưng cầu dân ý về việc mở rộng quy chế tự trị cũng như quyền tự quyết. Theo ông, sẽ hoàn toàn hợp pháp khi thay đổi quy chế của Crimea, nếu như đại đa số người dân bỏ phiếu thông qua.


Đáp trả việc Phương Tây cho rằng Nga cần “minh bạch” về cuộc diễn tập quân sự của Quân khu phía Tây, tránh mọi động thái nào có thể "dẫn đến sự hiểu lầm”, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuyển đi những tín hiệu sai lệch khi bình luận về tình hình đang diễn ra tại Ukraine. Hãng tin Itar - Tass ngày 28/2 dẫn lời đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết: NATO không có và không nên nhận bất kỳ vai trò nào trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo ông Grushko, bất kỳ một động thái nào của NATO nhằm thể hiện ảnh hưởng hoặc can thiệp sẽ chỉ làm tình hình Ukraine thêm phức tạp.


Trước đó, Tổng thống Putin đã chỉ đạo chính phủ Nga tiếp tục đối thoại với Ukraine để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương; tham vấn với các đối tác nước ngoài, bao gồm cả IMF về việc trợ giúp tài chính cho Kiev, xem xét viện trợ nhân đạo cho Crimea.


Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN