Tín dụng và an sinh xã hội ở Tây Bắc

Trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đối với vùng Tây Bắc để có những chính sách đầu tư phù hợp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, từng bước nâng cao đời sống người dân, ổn định kinh tế - chính trị trên toàn khu vực.

Đầu tư tín dụng góp phần phát triển nông thôn

Về cơ bản, nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Bên cạnh các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc tham gia vốn tín dụng cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn trong khu vực đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vùng.

Làm thủ tục giải ngân cho hộ nghèo vay vốn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Giai đoạn 2012 -2013, khu vực Tây Bắc đã cho vay 400.336 lượt hộ nghèo, góp phần giúp 62.984 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho 65.497 học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn đến trường; cho vay 30.157 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; tạo công ăn việc làm mới cho 39.682 lao động; xây dựng, cải tạo 292.170 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới 31.071 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; giúp 736 lao động đi xuất khẩu lao động tại huyện nghèo;…

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội (ASXH) khu vực Tây Bắc lần I tổ chức vào cuối tháng 3/2013 tại tỉnh Tuyên Quang, ngành ngân hàng thực hiện ký kết 14 hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn cho các lĩnh vực thế mạnh của vùng với tổng số tiền lên tới 20.114 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2013, các ngân hàng đã bước đầu giải ngân cho vay một số dự án với doanh số là 931 tỷ đồng; Dư nợ ước là 710 tỷ đồng. Do tính chất đặc thù các dự án đầu tư tại khu vực Tây Bắc tập trung ở các lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản và các dự án lớn nên thời gian tới các ngân hàng tiếp tục cho vay theo đúng tiến độ giải ngân các dự án đã cam kết.

Đi đầu trong công tác an sinh xã hội


Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, ngành ngân hàng đã chủ động và bằng khả năng cao nhất của mình đã tích cực tham gia, thực hiện có kết quả công tác xóa đói, giảm nghèo. Ngành luôn đi đầu trong hoạt động tài trợ ASXH cho các vùng và các đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn. Qua đó đã góp phần đáng kể, thiết thực giúp một bộ phận dân cư, cộng đồng trên toàn quốc, đặc biệt là vùng Tây Bắc cải thiện được điều kiện sống, tăng thêm cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế...


 

Gia đình chị Kha Thị Minh, dân tộc Thái, ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông vay vốn ưu đãi phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Năm 2013, thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vận động các ngân hàng thương mại (NHTM) tài trợ cho khu vực hơn 454 tỷ đồng. Theo báo cáo của các NHTM, số tiền các công trình, dự án được thực hiện từ nguồn vốn ASXH đã giải ngân tính đến hết ngày 31/12/2013 là hơn 476 tỷ đồng, vượt so với dự kiến. Các chương trình ASXH chủ yếu tập trung vào mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo với hàng chục nghìn ngôi nhà cho người nghèo, hàng trăm trường học các cấp và nhiều trạm y tế xã được xây dựng. Một số công trình lớn đã hoàn thành và đi vào sử dụng như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam: xây dựng 90 phòng ở cho học sinh dân tộc nội trú trường tiểu học và THCS huyện Mường Nhé (16 tỷ đồng), trường Trung học Y tế Lai Châu (50 tỷ đồng).


Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xây dựng công trình hồ treo chứa nước ngọt cho bà con dân tộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với số tiền 15 tỷ đồng, xây dựng Trạm y tế xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên số tiền gần 16 tỷ đồng.


Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tài trợ xây dựng 4 trường học cho huyện nghèo Tương Dương, tỉnh Nghệ An với số tiền 9 tỷ đồng.


Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tài trợ các công trình giáo dục của 3 huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang thuộc tỉnh Hà Giang với số tiền 12 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, hàng năm thông qua hệ thống công đoàn cơ sở, các cán bộ, công chức, người lao động của ngành ngân hàng đã tích cực tự nguyện tham gia đóng góp ngày lương ủng hộ các Quỹ tình nghĩa, Quỹ xã hội - từ thiện của ngành để từ đó trích ra ủng hộ các chương trình từ thiện xã hội đối với các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc.


Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nhất là trong hai năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của các NHTM sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của phần lớn cán bộ trong ngành ngân hàng. Song, với tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm xã hội cao, các NHTM vẫn cố gắng dành một số tiền đáng kể để tài trợ ASXH cho khu vực Tây Bắc trong năm 2014, cụ thể số tiền là 130,5 tỷ đồng (số đăng ký ban đầu chưa chính thức).


Những định hướng đầu tư phát triển

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Bắc, khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các tỉnh Tây Bắc. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; tiếp tục mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng trong khu vực, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo điều kiện cho người dân có vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ, cải tiến thủ tục hành chính và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên địa bàn; đầu tư cho các dự án trọng điểm tại khu vực Tây Bắc và các công trình trọng điểm khác để tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh trong vùng; ưu tiên vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, gắn cho vay nông nghiệp nông thôn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương trên địa bàn; tăng cường cho vay đối với người nghèo và các đối tượng xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của người dân trong khu vực. Kết hợp lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình bảo đảm ASXH khác trên địa bàn để tạo ra hiệu ứng trong chính sách.


N.H (Ban Chỉ đạo Tây Bắc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN