Tìm giống ngô xóa nghèo cho vùng cao núi đá Hà Giang

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang cho biết, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất một số giống ngô tại các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang” do một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện, đã thực sự là “sự gặp gỡ giữa nhà khoa học và nhà nông”, để tìm ra giống ngô mới, với hy vọng giúp bà con vùng cao núi đá thoát nghèo.

 

Ngô là cây lương thực chính của vùng cao núi đá Hà Giang.

Đề tài được triển khai trên địa bàn 3 huyện vùng cao núi đá Hà Giang từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2012. Sau 2 năm thí điểm, kết quả bước đầu khả quan, thắp lên niềm hy vọng cho người dân vùng cao núi đá về một giống ngô mới, sẽ là cây chính góp phần đảm bảo an ninh lương thực của vùng.


Các địa phương như xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), Hữu Vinh (Yên Minh), Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) đã được chọn trồng và nghiên cứu một số giống ngô mới trên địa hình đất bằng (Quản Bạ), đất dốc (Yên Minh) và hốc đá (Đồng Văn). Giải pháp chính là: tăng mật độ trồng kết hợp với việc áp dụng kỹ thuật bón phân dạng viên nén.


Vụ xuân năm 2010, đề tài nghiên cứu đã triển khai 7 thí nghiệm về mật độ trồng, lượng đạm bón dạng viên nén, dạng phân rời và thời điểm bón phân viên nén, nhằm tìm ra quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, địa hình ở mỗi địa phương. Giống ngô NK54 được thí nghiệm trên đất Quản Bạ, giống ngô NK43000 trồng trên đất dốc Yên Minh, giống ngô CP999 thí nghiệm trên vùng hốc đá Đồng Văn. Các nhà khoa học đã xác định được mật độ trồng cây ngô/ha cũng như lượng phân viên NPK nén cho từng vùng đất (bằng, dốc và hốc đá). Công nghệ sản xuất phân viên nén theo các công thức được xác định đã được chuyển giao cho địa phương. Đề tài cũng đã xây dựng được quy trình sản xuất phân viên nén cũng như quy trình bón phân viên nén để chủ động thực hiện khi phát triển trồng giống ngô mới trên diện rộng.


Vụ hè thu năm 2011, ở cả ba huyện với 3 đặc điểm đất khác nhau đã thực hiện trồng thí nghiệm giống ngô mới trên diện tích 2 ha/huyện. Kết quả, ngô được trồng bằng giống và kỹ thuật chăm bón thuộc đề tài nghiên cứu có năng suất trung bình tăng cao hơn nhiều so với ngô bà con vẫn trồng theo cách thông thường. Cụ thể, ở vùng đất dốc Yên Minh, các hộ tham gia mô hình đạt năng suất ngô tăng 97,5%; trên hốc đá Đồng Văn là 111,3%; trên đất bằng Quản Bạ là 82%.


Sản xuất ngô thâm canh theo mô hình đòi hỏi đầu tư về phân bón và giống cao hơn so với trồng ngô thông thường. Tuy nhiên, do năng suất ngô cao nên giá trị sản xuất tăng và thu nhập trên cùng đơn vị diện tích cao hơn nhiều so với sản xuất hiện tại của nông dân. Cụ thể, thu nhập trên mỗi ha ngô thâm canh theo mô hình ở Yên Minh (đất dốc) cao gần 40% so với ngô trồng ngoài mô hình, tại Quản Bạ (đất bằng) là gần 69% và ở Đồng Văn là gần 110%. Đặc biệt, ngô trồng theo mô hình thí nghiệm đạt năng suất tăng đến 100% so với giống ngô cũ là điều rất có ý nghĩa với bà con vùng cao núi đá quanh năm luôn “khát nước” và “khát đất”, phải trồng ngô trong hốc đá là chính.


Giống ngô mới được trồng theo phương pháp tăng mật độ trồng (gấp 2 lần thông thường) kết hợp nguyên tắc bón phân cân đối và đầy đủ không chỉ đem lại năng suất cao mà còn có tác dụng lớn trong bảo vệ đất, chống xói mòn do tăng chỉ số diện tích lá, tăng độ che phủ đất và tăng khả năng thấm nước của đất do rễ cây ngô phát triển mạnh. Việc tăng mật độ trồng ngoài ích lợi về tăng năng suất hạt còn làm tăng sản phẩm phụ cung cấp chất đốt (thân ngô, lá ngô), giảm nạn vào rừng chặt cây làm củi của bà con dân tộc thiểu số từ lâu nay; tận dụng nguồn lá xanh giai đoạn ngô chín để bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc. 



Bài và ảnh: Công Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN