Ngay sau khi báo cáo kết luận của Liên hợp quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria được công bố, nhiều nước phương Tây ngày 17/9 tiếp tục cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al - Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Ngược lại, Nga vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng vụ tấn công ngày 21/8 là một đòn khiêu khích của phe đối lập.
TTK LHQ Ban Ki-moon tại buổi họp báo ngày 16/9. |
Mỹ vẫn khẳng định chỉ quân đội chính phủ Syria mới có tên lửa đất đối đất mà báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) đề cập đến, theo đó khí độc sarin đã được nạp vào đầu đạn của loại tên lửa này. Anh và Pháp cũng tán thành quan điểm trên.
Về phần mình, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp ngày 17/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định ông có lý do xác đáng để nhận định rằng chính phe đối lập đã dùng vũ khí hóa học để gây hấn với quân chính phủ Syria. Ngoài ra, ông Lavrov cảnh báo rằng bất cứ lời đe dọa sử dụng vũ lực nào đối với Syria hiện nay sẽ chỉ làm cản trở kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học cũng như kế hoạch hòa bình về lâu dài cho Syria.
Trong khi đó, ngày 17/9, Syria đã cáo buộc Mỹ, Pháp và Anh đang tìm cách áp đặt ý chí lên người dân nước này, sau khi các cường quốc tuyên bố sẽ hối thúc soạn thảo một nghị quyết của LHQ về tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/9 đã ra một sắc lệnh chính thức cho phép cung cấp viện trợ quân sự phi sát thương cho lực lượng đối lập Syria nhằm ngăn ngừa việc sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học. |
Một nguồn tin an ninh cấp cao Syria cùng ngày cũng cho biết phe đối lập có tên lửa đất đối không và khí sarin. Nguồn tin này khẳng định: “Tôi phủ nhận thông tin rằng chúng tôi đã dùng khí sarin bởi chúng tôi không có lợi ích gì. Chúng tôi đang thắng thế trên chiến trường”.
Trước đó, dựa trên báo cáo của nhóm chuyên gia, ngày 16/9, LHQ đã ra kết luận khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công ở khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus hôm 21/8. Tuy nhiên, báo cáo không cho biết bên nào tại Syria đã thực hiện vụ tấn công này.
Lê Hoàng (tổng hợp)