Cán bộ 30a xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) kiểm tra, theo dõi con giống hỗ trợ các hộ dân. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Nhiều kết quả tích cực Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2017, hộ nghèo bình quân cả nước còn 6,72% (giảm 1,51% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Về kết quả thực hiện các dự án thành phần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình 30 a đã hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 976 công trình trên các huyện nghèo; hơn 400 công trình khởi công mới và trả nợ cho các công trình chuyển tiếp trên các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ngoài ra, Chương trình 135 đã thực hiện đầu tư hơn 2.500 công trình, trong đó tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, nước sinh hoạt, công trình điện...
Bên cạnh đó, các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý... đã được triển khai ngay từ đầu năm. Theo đó, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chương trình đã cho vay hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 806 tỷ đồng so với năm 2016. Vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 204.000 lao động; giúp hơn 65.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập…
Trong năm 2017, ngân sách đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và người đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; đã có 13 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Đối với chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo, ngân sách trung ương bố trí khoảng 4.968 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số chính sách giảm nghèo chưa được bố trí nguồn lực; mức hỗ trợ còn thấp đã ảnh hưởng tới việc hoàn thành mục tiêu cụ thể của Chương trình. Công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn lúng túng, chậm so với thời gian quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điều này dẫn đến không đảm bảo về thời gian, thủ tục đầu tư hoặc không được duyệt chủ trương đầu tư, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân nguồn vốn được giao.
Tập trung vào 3 nhóm chính sách Gia đình anh Giáp Văn Tiện ở thôn Hựu, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vay vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư cải tạo, chuyển đổi trồng cây cam, bưởi, cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Năm 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phấn đấu giảm hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Chương trình tiếp tục cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Để hoàn thành các mục tiêu trên, các cấp, ngành cần đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao.
Các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn; khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn; phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo.
Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quyết định ban hành danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 để làm căn cứ giao nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đối với nguồn vốn còn lại chưa phân bổ.