Trong một bước đi nhằm củng cố tính khả thi của dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, ngày 12/1, Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm ưu thế đã bỏ phiếu thông qua biện pháp cho phép giới lập pháp Mỹ đưa ra những điều chỉnh đối với dự án gây nhiều tranh cãi này.
Với 63 phiếu thuận và 32 phiếu chống, biện pháp được thông qua này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho phép các Thượng nghị sĩ Mỹ thảo luận và đưa ra đề xuất sửa đổi đối với dự luật Keystone XL xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu từ các mỏ dầu của Canada ở miền Bắc tới các nhà máy lọc dầu ở các bang ven bờ vịnh Mexico phía Nam nước Mỹ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Hoeven, người đỡ đầu cho dự án này, nhận định động thái trên sẽ thúc đẩy một cuộc tranh luận mở với sự đóng góp ý kiến của các nghị sĩ Mỹ nhằm giúp tăng cường tính khả thi của dự luật Keystone XL. Trong số 63 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ biện pháp trên, có 11 nghị sĩ đảng Dân chủ.
Người dân Mỹ biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, phản đối dự luật Keystone XL xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu ngày 10/1. Ảnh: AFP. |
Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu lần cuối cùng dự luật Keystone XL vào cuối tháng 1 này. Văn kiện này được coi là phép thử đầu tiên đối với vai trò mới của nghị sĩ Mitch McConnell trên cương vị là thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện trong các cuộc thảo luận mở với sự tham dự của nghị sĩ hai đảng. Phe Dân chủ có kế hoạch đưa một vài điều khoản sửa đổi nhằm kéo dài cuộc tranh luận này, trong đó có việc ngăn cản vận chuyển dầu bằng đường ống dẫn dầu.
Trước đó, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo cũng đã thông qua dự luật Keystone XL sau khi Ủy ban Năng lượng Thượng viện cũng đã đạt được kết quả tương tự. Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng quyền Hiến định dành cho người đứng đầu cơ quan hành pháp để phủ quyết nếu dự luật được lưỡng viện Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Hoeven cho biết hiện đã nhận được sự ủng hộ của ít nhất 63 Thượng nghị sỹ, chỉ cần 4 phiếu ủng hộ nữa là đủ quy định 2/3 để dự luật được thông qua.
Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với vốn đầu tư 7 tỷ USD. Với tổng chiều dài 3.462 km chạy qua 6 bang của nước Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn, khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu của Canada cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.
Các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án này sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi nó chạy qua.
Dự án Keystone XL được các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ tìm mọi cách để đưa dự án vào thực thi mà không cần phải được Tổng thống phê chuẩn. Điều 1 chương 7 Hiến pháp Mỹ quy định mọi dự luật thông qua tại Quốc hội đều phải chuyển lên Nhà Trắng để Tổng thống ký đưa vào thực hiện.
Nếu phủ quyết dự luật này, trong vòng 10 ngày, cộng cả ngày nghỉ lễ, Tổng thống phải trả văn bản đó cho Quốc hội. Tuy nhiên, nếu một dự luật được cả hai viện Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ thì dự luật đương nhiên trở thành luật mà không cần tổng thống phê chuẩn.
TTXVN/Tin Tức