Ngày 9/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thăm chính thức Canada. Trong hội đàm với Thủ tướng Canada Stephen Harper, ngoài cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị G7 sẽ diễn ra tại Đức vào tháng 6/2016, là nội dung quan trọng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và chính sách đối với Nga.
Thủ tướng Canada ông Stephen Harper và người đồng cấp Đức, bà Angela Merkel. |
Giới quan sát đánh giá, mặc dù bà Merkel thuyết phục rằng cuộc xung đột ở Ukraine không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự, cảnh báo giải pháp cung cấp vũ khí sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng tại miền Đông Ukraine, Thủ tướng Harper vẫn cương quyết duy trì cách tiếp cận cứng rắn đối với Nga.
Thủ tướng Harper khẳng định Canada công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine của Nga. Vì thế, Canada vẫn xem xét khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột với do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine thất bại.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm, khi được hỏi liệu Canada có chuyển từ việc trợ giúp nhân đạo cho Ukraine sang hỗ trợ vũ khí phòng vệ sát thương hay không, Thủ tướng Harper nói rằng chính quyền Canada sẽ xem xét mọi lựa chọn. Ông nói: “Canada chắc chắn sẽ thực hiện điều này một cách cực kỳ thận trọng trong mối quan hệ đối tác và hợp tác với tất cả các đồng minh”. Thủ tướng Harper cho biết chính phủ Canada “sẽ không bao giờ - cho dù bao lâu và bằng biện pháp nào - chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine của Nga”.
Trái với quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Harper, một số tướng lĩnh Canada cho rằng việc tiếp tục gây sức ép và bất ổn hơn nữa đối với Nga là ít tác dụng, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng áp dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh nguy hiểm hơn. Và vì thế, Canada không nên có những can quá thiệp sâu vào tình hình Ukraine.
Trước đó, ngày 5/2, tại hội nghị bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cựu Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson còn tuyên bố Canada không có ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine mặc dù hai bên đã ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Canada sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các thiết bị phi sát thương.
Tính tới nay, Canada đã chuyển tới Ukraine các khoản viện trợ nhân đạo, tài chính cùng các viện trợ phi quân sự khác trị giá 66 triệu CAD. Danh mục hỗ trợ trang bị quân sự phi sát thương cho Ukraine của Canada gồm thiết bị quân y và hậu cần như mũ sắt, kính đạn đạo, áo khoác bảo vệ, dụng cụ sơ cứu, lều bạt và túi ngủ. Canada cũng viện trợ thêm trang bị quân sự cho Ukraine gồm hệ thống thông tin liên lạc chiến thuật, thiết bị xử lý chất nổ, kính nhìn đêm, các trang bị trong mùa Đông nhằm tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine.
Báo giới Canada có một số quan điểm đồng tình với Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng nếu Mỹ và phương Tây quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ làm cho tình hình càng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với chính sách đối ngoại hiện nay, cùng những tính toán cho cuộc bầu cử sắp tới, Thủ tướng Harper vẫn sẽ duy trì quan điểm cứng rắn đối với Nga về vấn đề Ukraine. Đồng thời, chính quyền bảo thủ của Thủ tướng Harper cũng ủng hộ chính sách của Mỹ đối với Nga, cũng như quan điểm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)