Ngũ Lạc là một xã vùng sâu của huyện Duyên Hải, đa số là người dân tộc Khmer, có diện tích đất giồng cát khá lớn. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất luân canh rau màu như: Dưa hấu, bí đỏ, lạc... Chính các loại cây màu này đã đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ nông dân và đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển.
Tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên |
Tuy nhiên, trong những năm qua, do bà con thường xuyên sử dụng các giống cây truyền thống, nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, xã đã vận động nông dân đưa về trồng thử nghiệm giống ớt chỉ thiên ở vụ màu hè- thu 2016, trên diện tích hơn 88 ha và ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân tùy theo từng thời điểm. Để bà con nắm rõ kỹ thuật và quy trình trồng ớt chỉ thiên, các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân thực hiện mô hình theo từng thời điểm phát triển của cây. Theo các hộ nông dân có kinh nghiệm: Cây ớt chỉ thiên là loại cây trồng ngắn ngày, chịu được hạn hán và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Thạch Nhỏ, ở ấp Thốt Nốt vụ màu này trồng 6.000 cây ớt chỉ thiên, trên diện tích 2 công đất (2.000 m2), bình quân 2 ngày gia đình thu hoạch một lần, kéo dài hơn 3 tháng nay, với giá từ 48.000 - 52.000 đồng/ kg, năng suất bình quân trên 2,5 tấn/công, ước tính gia đình ông thu vào hơn 200 triệu đồng. Do đây là vụ thứ 3 liên tiếp gia đình ông trồng giống ớt này, nên chi phí thấp hơn so với vụ đầu, lại không phải mua màng phủ cho cây ớt, nên cho lãi càng cao.
Công đoạn sơ chế ớt cũng tạo ra nhiều việc làm cho nông dân. |
“Trồng ớt chỉ thiên hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với các loại cây trồng khác, lại được UBND xã hỗ trợ giống; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nên tôi rất yên tâm sản xuất”, ông Nhỏ cho biết.
Hiệu quả từ cây ớt chỉ thiên trên vùng đất giồng cát Trà Vinh đã thực sự mở ra một triển vọng mới cho người trồng màu vùng ven biển Trà Vinh.