Đánh giá cao sự hợp tác cung cấp thông tin giữa hãng thông tấn TASS và các đơn vị truyền thông của Nga, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương mong muốn mở rộng hợp tác trên lĩnh vực thông tin và truyền thông với Nga.
Trao đổi về những vấn đề có thể hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Alexey Volin cho biết: Kênh truyền hình RT (Rusia Today) sẵn sàng cung cấp cho Thông tấn xã Việt Nam kho thông tin, video về các nước với nhiều nội dung liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa. Thông tấn xã Việt Nam có thể biên tập, sử dụng, phát sóng quảng bá trên kênh truyền hình Vnews và các ấn phẩm khác.
Bên cạnh đó, phía Nga có công nghệ phổ biến rộng rãi kênh truyền hình đến người dân sống ở nước ngoài qua hệ thống internet và điện thoại thông minh. Công nghệ này đã được nhiều nước sử dụng như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… và có thể triển khai được tại Việt Nam. Phía Nga cũng mong muốn đón tiếp nhiều đoàn đại biểu Việt Nam sang tìm hiểu và nghiên cứu về báo chí, truyền thông cũng như công nghệ thông tin tại Nga.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương cho biết, hiện Thông tấn xã Việt Nam đang triển khai nhiều cách thức truyền tải thông tin lên mạng nên rất quan tâm đến những nội dung phía Nga cung cấp cũng như những công nghệ mà phía Nga đang có.
Sắp tới, theo yêu cầu của Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam sẽ mở thêm bộ phận biên tập tiếng Nga tại Ban Thông tin đối ngoại. Thông tấn xã Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm từ phía chính phủ Nga về học bổng trong lĩnh vực báo chí để nâng cao khả năng nghiệp vụ và đặc biệt là tiếng Nga cho cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam.
Ông Alexey Volin, Thứ trưởng Bộ Thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Thứ trưởng Alexey Volin nhiệt tình ủng hộ đề xuất của Thông tấn xã Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị Đại sứ quán Nga tại Việt Nam là đầu mối kết nối trao đổi thông tin với Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để thực hiện vấn đề học bổng cho Thông tấn xã Việt Nam.
Mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Thông tấn xã Việt Nam và các đơn vị thông tin truyền thông của Nga, trong thời gian tới, hai bên sẽ tìm hiểu về nhu cầu, khả năng và tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua những chuyến thăm, làm việc của đoàn đại biểu hai nước.
* Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cũng làm việc với đoàn đại biểu Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga. Tăng cường trao đổi thông tin và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong bối cảnh hai nước đang xây dựng chính phủ điện tử, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ… là những nội dung được đề cập trong buổi làm việc
Thứ trưởng Alexey Volin giới thiệu với đại diện các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phần mềm quản lý đảm bảo việc thực thi pháp luật trên internet; phần mềm quản lý các mạng, nhà cung cấp nội dung trên mạng...
Hiện nay, tại Nga, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, công nghệ điện toán đám mây đang được sử dụng rộng rãi làm cơ sở để xây dựng và mở rộng chính phủ điện tử. Phía Nga mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đám mây điện toán, việc đảm bảo an ninh mạng internet và an toàn thông tin trên mạng.
Về lĩnh vực số hóa truyền hình, các công ty của Nga hiện đang có nhiều công nghệ, thiết bị hiệu quả, chi phí thấp, có thể giúp khoảng 5 triệu người sinh sống tại nước ngoài xem được kênh truyền hình Việt Nam. Phía Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế số hóa, trong đó thông tin và dữ liệu là năng lượng, nguyên liệu quan trọng. Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề thực thi pháp luật ở phạm vi mạng xuyên biên giới và vấn đề đảm bảo an toàn thông tin. Phía Việt Nam thông qua Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ là đầu mối liên lạc, sẽ cử các đoàn sang tìm hiểu, làm việc và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Nga.
Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác nhiều lĩnh vực trên cơ sở nền tảng mối quan hệ gắn bó lâu đời, tin tưởng giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên bang Nga.