Tổng thống Chilê Sebastian Pinera (phải) và thợ mỏ Luis Urzua (giữa)
khi ông vừa được đưa lên mặt đất ngày 13/10.
Trở về sau những chuỗi ngày tưởng như dài vô tận sống trong “hầm mộ” San Jose, cuộc sống của 33 thợ mỏ đã đột ngột thay đổi. Từ những người thợ mỏ chỉ quen làm việc trong những đường hầm ẩm ướt, tối tăm, giờ họ đã là những anh hùng Chilê, những con người của công chúng, được giới truyền thông săn đón như những ngôi sao.
Bắt đầu một cuộc sống mới
Ngày 15/10 - một ngày sau khi được giải cứu, 33 thợ mỏ Chilê chuẩn bị bắt đầu một cuộc sống mới vô cùng lạ lẫm đối với họ. Đằng sau cánh cửa bệnh viện nơi họ đang được kiểm tra sức khỏe là cả một rừng người gồm các phóng viên báo chí, truyền hình, những công ty truyền thông và thậm chí là cả các đội bóng đá. Tất cả đều đang chầu chực và săn đón những trải nghiệm 69 ngày trong lòng đất của họ.
Jose Henriquez (trái), một trong số các thợ mỏ vừa
được đưa lên mặt đất vui mừng gặp lại người thân.
Sau khi được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, ba thợ mỏ gặp ít vấn đề về sức khỏe nhất (Juan Illanes, Edison Pena và Carlos Mamani) đã ra viện ngày 15/10 (giờ Việt Nam) trong sự hộ tống của các nhân viên an ninh. Phó giám đốc bệnh viện Copiapo, ông Jorge Montes, cho biết, điều ngạc nhiên là hầu hết thợ mỏ đều ở trong tình trạng sức khỏe tốt sau 10 tuần sống trong điều kiện tồi tệ dưới độ sâu 700 mét. Trong đêm đầu tiên ở viện, tất cả đều thức trắng đêm và theo các bác sĩ, đây là điều tự nhiên sau những gì họ đã trải qua.
Người thân của họ đang tổ chức những bữa tiệc đoàn tụ để chào đón họ trở về. Và rồi họ sẽ lần đầu tiên được ngủ trên chiếc giường quen thuộc của mình sau chuỗi ngày hành xác. Trong khi đó, hàng loạt lời mời đi nghỉ, làm việc… từ khắp nơi trên thế giới đang được gửi tới những người thợ mỏ may mắn này. Hai câu lạc bộ bóng đá danh tiếng của châu Âu là Real Madrid và Manchester United đã mời họ xem các trận đấu của mình. Liên đoàn bóng đá Chilê cho biết đang tổ chức một giải đấu "Copa 33" để vinh danh 33 thợ mỏ anh hùng. Chương trình Sabado Gigante bằng tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng thế giới thông báo sẽ dành một chương trình cho 33 thợ mỏ. Một công ty khai mỏ ở Hy Lạp đề nghị chi tiền cho 33 thợ mỏ cùng người thân của họ đi nghỉ một tuần ở Địa Trung Hải. Một doanh nghiệp địa phương tặng mỗi người 10.000 USD. Còn Chủ tịch hãng Apple của Mỹ, ông Steve Jobs, cũng gửi tặng cho mỗi người một chiếc máy nghe nhạc iPod.
Người dân Chilê ăn mừng tại quảng trường thủ đô Santiagosau khi người thợ mỏ cuối cùng lên được mặt đất Khi cuộc giải cứu đã kết thúc hoàn hảo, giới báo chí giờ đây lại chạy đua để giành thông tin về những trải nghiệm 69 ngày trong lòng đất do chính những người thợ mỏ tiết lộ. Tuy nhiên, Omar Reygadas, con gái của một thợ mỏ trong nhóm, cho biết, 33 thợ mỏ muốn chia sẻ mọi thứ một cách công bằng. Ngay từ khi còn bị "giam cầm" dưới lòng đất, nhóm thợ mỏ này đã thỏa thuận toàn bộ số tiền thu được từ các buổi nói chuyện trên truyền hình, các bài phỏng vấn sẽ được tập hợp lại để chia đều cho các thành viên và thành lập một quỹ hỗ trợ cho các thợ mỏ có hoàn cảnh nghèo khó.
Tương lai ngành khai mỏ sau vụ sập hầmCác quan chức Chilê cho biết họ sẽ bịt hầm cứu hộ ở mỏ San Jose. Các trang thiết bị tham gia chiến dịch giải cứu cũng sẽ được tháo dỡ. Hầu hết các thiết bị sử dụng trong vụ giải cứu lịch sử này sẽ được trưng bày trong một viện bảo tàng sẽ thành lập trong tương lai.
Sau vụ sập hầm San Jose, Tổng thống Chilê Sebastian Pinera cam kết sẽ thực hiện những thay đổi cơ bản và áp đặt luật an toàn trong lĩnh vực khai thác mỏ một cách nghiêm ngặt hơn để nâng cao an toàn cho công nhân ngành này. Ông cam kết: "Chilê sẽ không bao giờ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện thiếu an toàn và khắc nghiệt như ở mỏ San Jose và nhiều nơi khác trên đất nước". Tổng thống Chilê cũng khẳng định, những người chịu trách nhiệm về vụ sập hầm sẽ phải bị trừng phạt.
Sắp tới, Chilê dự kiến tăng gấp ba ngân sách cho Sernageomin, cơ quan phụ trách an toàn khai mỏ ở Chilê, đồng thời lập một ủy ban điều tra vụ tai nạn và đề xuất các thay đổi. Trước mắt, Sernageomin phải đóng cửa ít nhất 18 hầm mỏ vì vi phạm an toàn.
Vụ sập hầm ngày 5/8 đã khiến vấn đề an toàn ở mỏ San Jose bị đưa vào tầm ngắm và khiến ngành khai mỏ ở Chilê chịu sự kiểm soát ngặt nghèo hơn. Nhiều người cho rằng tai nạn sập hầm xảy ra vì mỏ này bị khai thác quá mức và không có đường hầm thoát hiểm được gia cố. Đến nay, 27 trong số 33 gia đình thợ mỏ bị kẹt đã kiện công ty San Esteban, chủ sở hữu mỏ San Jose, và đòi bồi thường thiệt hại tổng cộng 10 triệu USD.
Ngành khai mỏ ở Chilê đóng góp tới 40% ngân sách nhà nước. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công nghệ khai mỏ, nhưng khai mỏ vẫn là một nghề nguy hiểm. Kể từ năm 2000, trung bình mỗi năm có 34 người chết trong tai nạn hầm mỏ ở Chilê, đỉnh điểm là 43 người năm 2008.