Thêm nhiều thành viên Eurozone bị hạ bậc tín nhiệm

Tình hình kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đang ngày càng xấu hơn với việc thêm hai nền kinh tế thành viên là Tây Ban Nha và CH Síp bị hạ bậc tín nhiệm, trong khi khả năng Hy Lạp phải rời khỏi liên minh tiền tệ này ngày càng hiện rõ.


 

Người dân Tây Ban Nha biểu tình tại Seville ngày 12/6 để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ nhằm đối phó với tình hình kinh tế khó khăn. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chỉ vài ngày sau khi Tây Ban Nha đạt được thỏa thuận vay 100 tỷ euro (125 tỷ USD) từ quỹ khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) để cứu các ngân hàng đang đứng bên bờ vực phá sản, ngày 13/6, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ 3 bậc tín nhiệm đối với quốc gia Nam Âu đang vật lộn với khủng hoảng nợ công này.
Xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha bị Moody’s hạ liền một lúc 3 bậc, từ A3 xuống Baa3, dù vẫn trụ lại được ở “cấp độ đầu tư” nhưng đã nằm sát “cấp độ thanh lý”. Quyết định “giáng” bậc nặng nề này phản ánh một số nhân tố then chốt. Moody’s cho rằng, chính phủ Tây Ban Nha vay tới 100 tỉ euro từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng, nhưng điều này sẽ càng làm căng thẳng thêm gánh nặng nợ nần khi dự kiến nợ công của nước này sẽ tương đương 90% GDP trong năm nay và tiếp tục gia tăng đến năm 2015. Thêm nữa, giới đầu tư vẫn lo ngại về tình hình tài chính của Tây Ban Nha, cho dù gói cứu trợ 100 tỉ euro vừa được thông qua. Theo họ, khoản vay, vốn chỉ tập trung vào một số công ty tư nhân, sẽ chỉ là một việc làm vô ích, bởi những công ty đó sẽ sớm lại rơi vào khó khăn và Tây Ban Nha sẽ lại cạn tiền trong tương lai gần. Trong khi đó, khả năng Tây Ban Nha tiếp cận với các thị trường vẫn rất hạn chế. Thực tế này, theo dự báo của giới phân tích, có thể buộc Tây Ban Nha phải cần thêm một gói cứu trợ lớn hơn.


Cùng ngày, Moody’s cũng đã hạ bậc tín nhiệm của CH Síp hai bậc, từ Ba1 xuống Ba3. Nguyên nhân chính của hành động này là khả năng chính phủ Síp sẽ phải hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp, trong lúc Aten lại đứng trước nguy cơ ra khỏi Eurozone.


Theo các nhà phân tích, mặc dù chỉ chiếm 2,3% tổng sản lượng kinh tế Eurozone và 0,4% toàn cầu, nhưng Hy Lạp có thể gây ra một cơn địa chấn làm chao đảo nền kinh tế thế giới. Cuộc bầu cử quốc hội lại vào ngày 17/6 được cho là sẽ quyết định tương lai của nước này tại Eurozone.


Qua các cuộc thăm dò trước bầu cử, hãng Credit Suisse dự đoán 40% cơ hội chiến thắng chia đều cho phe ủng hộ đồng euro và liên minh phản đối cứu trợ. Một chiến thắng cho phe phản đối cứu trợ hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone trong ngắn hạn. Trong khi đó, chiến thắng của phe ủng hộ đồng tiền chung sẽ ngăn được cuộc rút lui này, nhưng lại châm ngòi cho những bất ổn tài chính mới, cộng thêm gánh nặng nợ nần càng chồng chất trong khi các triển vọng ở trung và dài hạn thì vẫn mờ mịt.


Tuần báo "Die Zeit" của Đức ngày 13/6 dẫn các nguồn tin chính phủ và tài chính cho biết, Hy Lạp có thể cần tới một gói cứu trợ nữa của EU trị giá hàng chục tỷ euro sau cuộc bầu cử lại. Ngay cả khi tiếp tục con đường cải cách, Hy Lạp vẫn cần thêm tiền vào mùa hè này. Aten đã phải hai lần đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ với tổng giá trị cứu trợ lên tới hơn 200 tỷ euro.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN