Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo

Ngày 15/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa gạo hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 đạt khoảng 8,6 triệu tấn, trong đó vụ Đông Xuân 2013 -2014 chiếm tới 4,3 triệu tấn gạo. Trong tháng 1 và tháng 2/2014, việc tiêu thụ lúa thuận lợi, giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, giá lúa giảm mạnh tới 400 - 500 đồng/kg, dao động ở khoảng 4.400 - 5.000 đồng/kg lúa thường và khoảng 4.500 - 5.300 đồng/kg lúa chất lượng cao.


Ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị đã phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, nhất là thị trường gạo thế giới đang diễn biến khó lường trước thông tin Thái Lan có chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho lên tới 20 triệu tấn và thực tế giá gạo chào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng đã giảm mạnh. Trước tình hình này, các bộ liên quan cùng các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, cả cấp bách trước mắt cũng như lâu dài, liên quan đến hỗ trợ tín dụng trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trong đó Ngân hàng Nhà nước cam kết ngay tại hội nghị sẽ dành khoảng 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo vụ Đông Xuân, áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn 2 - 3 năm chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.


Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những năm qua, nông nghiệp liên tục tăng trưởng, đây là thành tựu quan trọng, qua đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân... Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại, đời sống của một bộ người lao động sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chi phí cho sản xuất cao, giá bán nông sản thấp đi, năng suất lao động thấp... Do vậy, cùng với tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả; nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động sản xuất nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong vùng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích tối đa việc ứng dụng, đưa khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể trong trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ đã được triển khai hiệu quả ở một số địa phương.


Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Qua đó, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất; tiêu thụ nông sản; tạo việc làm cho người lao động, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp...


Liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng nêu rõ, tiềm năng lợi thế của vùng là các sản phẩm lúa gạo, tôm, cá, cây ăn quả... Do vậy, các tỉnh trong vùng tiếp tục phát huy những cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, tính toán, dự báo sát khả năng tiêu thụ nông sản trên thực tế, hạn chế trình trạng được mùa rớt giá. Giảm diện tích lúa cho năng suất lúa thấp sang trồng cây hoa màu có thị trường hoặc chuyển sang trồng đậu tương, ngô phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc. Đặc biệt quan tâm lai tạo các loại giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo giá trị cao trong xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long.


Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ các mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả và đưa nhanh cơ giới hóa vào vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Thủ tướng đồng ý từ ngày 15/3 sẽ tổ chức thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo, nhằm giữ giá thị trường, tránh gây thiệt hại cho nông dân.


Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương duy trì, mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống đi liền với quan tâm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo.


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, trong đó có cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo tinh thần kịp thời, đủ vốn, đúng đối tượng, đủ thời gian cho vay theo chu kỳ sản xuất; tăng dư nợ tín dụng trong nông nghiệp; cơ cấu lại nợ cho nuôi trồng thủy sản, cá tra; triển khai gấp các chương trình thí điểm cho vay phát triển nông nghiệp... Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, đề xuất bổ sung, rà soát lại chính sách nhằm hỗ trợ để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.


Thiện Thuật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN