Theo thông tin từ các bệnh viện Nhiệt Đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2... trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân nhi nhập viện do thời tiết bất thường đã tăng cao đáng kể. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.500 trẻ tới khám. Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày cũng có từ 5.500 - 6.000 bệnh nhân nhi đến khám. Các trường hợp đến khám chủ yếu mắc bệnh viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới, rối loạn tiêu hóa, nhiễm siêu vi, TCM, SXH...
Hiện nay, đang là thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh TCM nên số bệnh nhi nhập viện do mắc phải bệnh này cũng tăng cao. Bác sỹ Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Trong tháng 3, trung bình mỗi tuần có gần 200 ca mắc bệnh TCM. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.500 trường hợp phải nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng và 3 trường họp tử vong. Bên cạnh đó, mặc dù chưa vào cao điểm của dịch SXH nhưng do có những cơn mưa trái mùa nên số ca bệnh SXH cũng bắt đầu gia tăng”.
Hơn nữa do thời tiết nắng nóng nên trẻ cũng rất dễ mắc bệnh về tiêu chảy và các bệnh về đường ruột. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiều loại vi trùng sinh sôi rất nhanh. Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyến cáo: “Mùa nắng nóng, các bệnh ở trẻ em gia tăng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Để phòng ngừa các bệnh mùa nắng nóng ở trẻ, nên cho trẻ uống nhiều nước, tắm thường xuyên, mặc quần áo thông thoáng, không để máy lạnh nhiệt độ quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài bởi trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh do thay đổi thời tiết đột ngột. Tốt nhất chỉ nên để nhiệt độ chênh lệch khoảng 8 - 10 độ C. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao co giật, nôn ói, quấy khóc… thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh TCM cần giữ gìn vệ sinh thân thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cách ly trẻ khỏe với các trẻ đang mắc bệnh. Để phát hiện sớm bệnh TCM, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi thấy có một trong những biểu hiện sau đây: Có một hoặc vài bóng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ, đầu gối hoặc loét họng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống và chảy nước miếng nhiều). Đối với trẻ đang mắc bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát và cần đưa đến bệnh viện ngay nếu có biểu hiện giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân, sốt cao hoặc ói nhiều. Ngoài ra, khi bắt đầu bước vào mùa mưa, phụ huynh nên triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy kín lu, vại; dẹp bỏ các vật chứa nước khác như vỏ xe cũ, gáo dừa, lọ hoa và ngừa không cho trẻ bị muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, ngủ màn, thoa kem chống muỗi. Để phát hiện sớm bệnh SXH cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám khi bị sốt cao liên tục từ hai ngày trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân gây bệnh”.
Không chỉ ở trẻ em, vào thời điểm chuyển mùa, những người già và những người mắc bệnh mãn tính cũng rất dễ bị mắc bệnh do sức đề kháng ở những người này yếu hơn, dễ bị virút xâm nhập. Trong những ngày qua, tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM như bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viên Gia Định, bệnh viện Đa khoa Sài Gòn... số bệnh nhân là người lớn đến khám cũng tăng từ 5 -10%, trong đó có nhiều bệnh nhân là người mắc các bệnh mãn tính.
Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh đang vào thời điểm chuyển mùa như hiện nay, người dân cần tăng cường sức đề kháng bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều các loại rau củ quả, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh thông thoáng nơi làm việc và nơi ở. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng khiến các loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc thực phẩm, chính vì thế người dân không nên ăn những loại thức ăn chưa qua chế biến kỹ hoặc những loại thức ăn chế biến ở nơi không đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài và ảnh:Đan Phương