Sau 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và là đầu tàu của cả nước. Đóng góp vào vị thế hàng đầu đó, một trong những thành tựu cơ bản và then chốt để đưa TP Hồ Chí Minh vươn lên mạnh mẽ và phát triển bền vững là các công trình xây dựng hạ tầng đô thị.
Đột phá hạ tầng
Sau ngày thống nhất, đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu tập trung đầu tư xây dựng nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó hạ tầng giao thông được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Cầu vượt bằng thép ở ngã tư Hàng Xanh trong ngày thông xe. |
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng có thể chia thời gian phát triển hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh thành 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 1975 đến 1990: chưa phát triển nhiều. Giai đoạn 1991 đến 2000, TP Hồ Chí Minh tập trung nâng cấp mở rộng các tuyến đường như đường Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 15, 10; tỉnh lộ 6, 7, 8 ở huyện Củ Chi, tỉnh lộ 14 huyện Hóc Môn, hương lộ 33; xây dựng mới nút giao thông Phú Lâm, Hàng Xanh, cầu Rạch Bàng, cầu Long Kiểng... Giai đoạn từ đầu thế kỷ 21 đến nay, TP Hồ Chí Minh thực sự mới có các công trình đột phá, được đầu tư mở rộng, xây mới với quy mô lớn như đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Rừng Sác - Cần Giờ, xa lộ Hà Nội, tuyến Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi; cầu Phú Mỹ, cầu Rạch Chiếc mới… và đặc biệt ấn tượng hơn cả là đại lộ Đông - Tây.
Hơn 10 năm triển khai, dự án đại lộ Đông - Tây, nay là đại lộ Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt, đã trở thành một cung đường đẹp nhất TP Hồ Chí Minh với điểm nhấn là hầm vượt sông Sài Gòn lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình giao thông đồ sộ với tổng số vốn hơn 16.000 tỷ đồng này đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP Hồ Chí Minh, cải tạo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé vốn rất ô nhiễm, khu ổ chuột phức tạp nhất thành phố trở thành trục đường có nhà cửa khang trang, nước kênh đã dần trong xanh trở lại. Cung đường này cũng đã rút ngắn khoảng cách và thời gian di chyển từ Đông sang Tây thành phố mà không phải đi xuyên tâm. Trong quá trình xây dựng công trình, cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân cũng đã được thay đổi, cải thiện. Bác Nguyễn Văn Hữu, cán bộ hưu trí cư ngụ tại khu vực phường 5, quận 8 hồ hởi: “Sống ở TP Hồ Chí Minh từ những năm 1950 của thế kỷ trước mới thấy được những thay đổi mạnh mẽ của thành phố này. Nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên, các tuyến đường, cây cầu mới ngang dọc được xây dựng khắp nơi, đặc biệt là đời sống của người dân được nâng cao hơn rất nhiều”.
Để tiếp tục đưa TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, xóa bỏ tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông và trở thành đòn bẩy cho thành phố vươn lên, thành phố đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Một loạt các công trình đang được triển khai như tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nâng cấp quốc lộ 50, tỉnh lộ 25 B, mở rộng xa lộ Hà Nội giai đoạn 2…
Gần đây nhất là các công trình vượt bằng thép đã được thành phố tập trung đầu tư xây dựng nhằm giải quyết bài toán kẹt xe tại các nút giao trên các tuyến cửa ngõ của thành phố. Công trình cầu vượt Ngã tư Thủ Đức, Vòng xoay Hàng Xanh đã được đưa vào sử dụng, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông rất hiệu quả trong thời gian qua. Từ thành công này, thành phố đã triển khai xây dựng cầu vượt tại vòng xoay Lăng Cha Cả, đã hoàn thành vào cuối tháng 4 này. Sắp tới, trên 10 cầu vượt bằng thép khác cũng được thành phố triển khai, trước mắt là cầu vượt tại nút giao Nguyễn Tri Phương - Đường 3/2, vòng xoay Cây Gõ, nút giao Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa… với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng đầu tư cho giao thông đường bộ, hạ tầng phục vụ hàng không, cảng biển, mà đường thủy nội địa cũng được phát triển đồng bộ. Dự án cải tạo và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành đã trở thành cảng hàng không hiện đại của cả nước và khu vực, có thể đón tiếp hàng chục triệu khách quốc tế và trong nước mỗi năm. Hệ thống cảng biển được đầu tư, xây mới khi bên cạnh cảng Sài Gòn cũ, hàng loạt cảng biển có tầm quốc tế được xây dựng như Hiệp Phước, Cát Lái, Phú Hữu…
Và những cách làm… đón đầu
Để có những công trình mang tầm vóc thế kỷ, có tính biểu tượng cho TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, TP Hồ Chí Minh đã luôn chủ động đi đầu và có những cách làm riêng, mang tính đột phá trong chỉ đạo, điều hành, tìm nguồn vốn, phương thức để triển khai các dự án. Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nếu trước đổi mới, người ta biết đến TP Hồ Chí Minh là nơi ‘xé rào’ trong cơ chế quản lý thì sau đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã đóng góp rất nhiều về hình thành cơ chế mới, được nhân rộng ra cả nước. Ví dụ như việc hình thành các loại luật công ty; hình thành nên các khu chế xuất; các hình thức đầu tư BOT, BT, chuyển nhượng quyền khai thác… cũng bắt đầu từ đây”.
Thành công của việc cho doanh nghiệp đấu giá khai thác các tuyến đường mà Nhà nước đã xây như đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương… là một điển hình. Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, với cách làm này, TP Hồ Chí Minh đã thành công với mô hình Công ty Đầu tư Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đơn vị chủ đầu tư của nhiều dự án giao thông lớn như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13, cầu Rạch Chiếc, Sài Gòn 2… Đến nay, cách làm này đã trở nên phổ biến. Một ví dụ khác, lần đầu tiên thành phố xin phép phát hành trái phiếu đô thị để mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), lúc đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau khi triển khai thì chỉ sau 3 năm dự án đã hoàn vốn.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giao thông, có thể nói, cái mà TP Hồ Chí Minh làm được nhiều nhất là mô hình xã hội hóa thu hút đầu tư tư nhân. Điển hình như cầu Phú Mỹ, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, Nhà máy nước BOT Thủ Đức… với nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Hiện nay thành phố cũng đang tiếp tục kêu gọi nguồn vốn này.
Khẳng định vai trò đầu tàu
Phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phải gắn liền với địa lý vùng để bảo đảm giao thông thuận tiện giữa thành phố với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là nội dung mà Quyết định Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/4 vừa qua.
Với quyết định này, TP Hồ Chí Minh có nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại sẽ được đầu tư xây dựng. Cụ thể như 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài hơn 70 km; xây dựng cải tạo mới 102 nút giao thông chính khác mức và 34 nút giao chính đồng mức; xây dựng mới 34 cầu, 1 hầm vượt sông; các tuyến đường bộ nối liền với các tỉnh lân cận như các trục đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Bến Lức - Long An, Biên Hòa - Vũng Tàu… TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray cũng như 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT).
Theo quy hoạch, cảng TP Hồ Chí Minh cũng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm các khu bến chính trên sông Sài Gòn, Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu Hiệp Phước trên sông Soài Rạp. Về hàng không, TP Hồ Chí Minh cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 23,5 triệu hành khách/năm và 600.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2015.
Để hoàn thành khối lượng công trình giao thông đồ sộ trên, theo quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các giải pháp, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng và các bộ, ngành liên quan vận dụng cơ chế, chính sách và các hình thức huy động nguồn vốn dưới hình thức như nguồn vốn của địa phương, BOT, hợp tác công tư (PPP); chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan, ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA), phát hành trái phiếu Chính phủ... để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Với những thành tựu đã làm được và dựa trên nền tảng, định hướng của quy hoạch sắp tới cùng với nỗ lực của lãnh đạo và sự ủng hộ đồng lòng của nhân dân thành phố, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục có những công trình giao thông hiện đại, tiêu biểu, góp phần đưa kinh tế - xã hội thành phố phát triển bền vững.
Hoàng Anh Tuấn