Ở Mỹ, thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts nằm ở bờ Đông, từ lâu đã là địa chỉ khá quen thuộc của người Việt Nam. Nơi đây có mật độ các trường đại học cao nhất toàn cầu, với hơn 30 trường công và ngót 100 trường tư, trong đó có trường Harvard số một thế giới, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Tổng hợp Massachusetts, v.v. Ngoài ra, đây còn là nơi Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng lưu lại kiếm sống, trang bị cho mình những kiến thức đầu tiên trên bước đường hoạt động cách mạng đầy gian truân hồi đầu thế kỷ 20. Đấy là Khách sạn Omni Parker House, nằm ở số 60 phố School, kề sát tòa nhà Quốc hội bang.
Tác giả bên khách sạn Omni Parker House. Ảnh: Quang Tuyến (P\v TTXVN tại LHQ) |
Trong khi Boston là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ, thì Omni Parker là khách sạn lâu đời nhất xứ này (trên 150 năm) hiện vẫn còn hoạt động, dù đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, nhưng vẫn còn giữ nguyên hình dáng bề ngoài như khi Bác ở. Sử sách ở đây đều viết rằng Bác Hồ đã sống và làm nghề hầu bàn và thợ làm bánh từ 1911-1913, riêng nguồn boston-online.com lại viết hơn hai năm ấy, Bác chủ yếu làm phụ xe của khách sạn. Theo một bác Việt kiều cao tuổi sống lâu năm ở đây, bất luận Bác đã làm nghề gì ở đây, các thế hệ nhân viên Omni Parker vẫn luôn tự hào là nơi duy nhất trên đất Mỹ còn lưu giữ được những kỷ niệm về Bác Hồ, đấy là những vật dụng của gian bếp năm nào, để mỗi khi có dịp qua đây, các thế hệ người Việt Nam được nhân lên lòng tự hào về Người. Còn với người Mỹ, đó là dịp để họ hiểu và trân trọng hơn một Hồ Chí Minh của Việt Nam, Người đã chủ động bắc cây cầu hữu nghị Việt-Mỹ, song do những âm mưu và toan tính sai lầm, các chính quyền Mỹ hồi ấy cứ bỏ qua mãi, để rồi phải ôm hận…
Nhớ lại lần đầu tới đây, tôi được một người Mỹ ở Omni Parker House bảo rằng trong thời gian làm việc tại đây, Bác còn tranh thủ theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Nơi đây đã sinh ra biết bao nhân tài, đứng đầu nhiều ngành khoa học, và hơn 60 người trong số đó đã là chủ nhân của các Giải thưởng Nobel thuộc nhiều lĩnh vực. Song, vì những lý do không được ghi chép lại, việc học của Người tại ngôi trường danh tiếng này bị dang dở.
Và nữa, ở khắp Massachusetts và cả các nơi khác trên đất Mỹ nữa, rất nhiều người biết về một bình chứa khí đốt khổng lồ, mang tên “Bồn chứa khí đốt tưởng nhớ Hồ Chí Minh”. Nó đứng sừng sững cạnh xa lộ 93 nối Boston với Dorchester, nơi có hơn 20 nghìn người Việt Nam sinh sống. Trở lại Boston lần này, chúng tôi quyết “mắt thấy, tai nghe và tay sờ” vào bình chứa khí đốt ấy trong một khu công nghiệp, nhưng khi tới, nữ nhân viên bảo vệ dù rất khâm phục tình cảm và sự thành kính của người Việt Nam ta đối với Bác, song vẫn ái ngại từ chối vì lý do an ninh. Bà bảo rằng đối tượng được bảo vệ không chỉ đơn thuần là bình chứa khí đốt, mà là một bức họa có bản quyền, được bảo vệ, vẽ về Cầu Vồng lớn nhất thế giới, có thể nhìn rõ mồn một trong đường kính vài ba cây số. Rồi bà ân cần chỉ cho chúng tôi chỗ có thể chiêm ngưỡng tốt nhất tác phẩm này, nơi nhiều người địa phương vẫn đến đấy.
Sử sách ghi lại rằng vào năm 1971, khi Việt Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh, nữ tu sĩ-họa sĩ Mỹ, Corita Kent được giao vẽ trang trí trên chiếc bồn màu trắng vừa lắp đặt xong ấy để trang trí cho khu công nghiệp này và làm vui mắt những ai tham gia giao thông. Là thành viên tích cực trong phong trào phản chiến, lại là một họa sĩ được nhiều người lúc bấy giờ biết đến, bà Kent đã khéo léo “gửi” một bức chân dung Bác vào bức họa này, mà ở một góc nhìn nhất định, khách qua đường không khó để nhận ra. Và, khi có quá nhiều người nhìn thấy điều ẩn chứa trong bức họa Cầu Vồng này, bà Kent bị chính quyền sở tại làm khó, song người phụ nữ với lòng kính trọng Bác đã làm tất cả để bảo vệ đến cùng tác phẩm độc nhất vô nhị này, để bây giờ nó vẫn sừng sững đứng đấy, cho hậu thế truyền nhau mãi về một Bác Hồ của Việt Nam cao lồng lộng bên bờ Đại Tây Dương ở bờ Đông nước Mỹ, và nhớ về một nữ họa sĩ tài ba, đã đi vào cõi vĩnh hằng, mang theo bí mật của bức họa ấy cho riêng mình vào năm 86 của thế kỷ trước.
Bồn chứa khí đốt tưởng nhớ Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Tuyến (P\V TTXVN tại LHQ) |
Dịp này, Boston đang vào Xuân, ngập tràn hoa lá, nhưng cũng bộn bề công việc, từ phục hồi kinh tế, đến củng cố an ninh sau vụ khủng bố xảy ra tròn một tháng trước tại đây, làm 3 người chết, gần 300 người bị thương. Thả bộ trên những con phố tĩnh mịch ở Boston, nơi được coi là thành phố giáo dục, sản sinh ra những bộ não mang lại sự phát triển đến mức choáng ngợp cho cả nước Mỹ, khác hẳn sự ồn ào, náo nhiệt thâu đêm suốt sáng ở New York, chỗ chúng tôi đang sống, không ai bảo ai, mỗi chúng tôi lại tự hỏi mình và hỏi nhau, biết đâu đoạn phố này, quảng trường kia cách đây tròn 100 năm Bác của chúng ta đã đi qua, đã ngồi ôn bài, hoặc trầm tư chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo trên con đường đầy chông gai nơi xứ người để tìm đường cứu nước, cứu dân. Và, bác Việt kiều nọ đã nói đúng những gì cả hai chúng tôi muốn nói, đấy là mỗi lần về được đây, nhất là giữa những ngày tháng Năm lịch sử này, mỗi người con đất Việt càng dầy thêm tình yêu nước, nhớ quê, thành kính tưởng nhớ Bác, và như được thêm một lần thắp nén hương thơm nhớ Bác.
Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại LHQ)