Tết với đồng bào Khmer Trà Vinh

Dọc những con đường về huyện Trà Cú, huyện có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Trà Vinh, không khí đón xuân đã bắt đầu hiện rõ trên những cành mai vừa được trảy sạch lá. Với phần đông người Khmer ở Trà Vinh, từ rất lâu Tết Nguyên đán đã là Tết quan trọng nhất, một cái Tết chung của sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng Kinh, Khmer, Hoa…

Chùa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng đối với đồng bào Khmer.


Ngày trước đồng bào Khmer không ăn Tết Nguyên đán. Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, năm mới bắt đầu từ Tết Chol Chnam Thmay, đó là sự khác biệt trong văn hóa, tuy nhiên sự khác biệt này vẫn có những điểm chung, giống như, trong 12 con giáp theo lịch của đồng bào Khmer không có con mèo mà thay vào đó là con thỏ.

Tuy là hai con vật khác nhau nhưng cả hai con vật này đều biểu trưng cho sự tinh khôn, nhanh nhẹn… Sự gần gũi trong quan niệm đã tạo ra sự gắn kết, hoà hợp giữa cộng đồng người Kinh và người Khmer. Theo cách nói của ông Kim Hồng Danh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tuy phong tục có những điểm riêng, nhưng ngày nay Tết Nguyên đán đã trở thành Tết chung. Đồng bào Khmer cũng vui xuân đón Tết cùng với đồng bào Kinh, giống như phần đông đồng bào Kinh, Hoa ở Trà Vinh cùng ăn Tết Chol Chnam Thmay, Đol Ta, Ok Om Bok…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa mới xây xong, ông Nhan Văn Lễ, một người Khmer ở ấp Xoài Rụm, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú vui vẻ khoe, cây mai này mọi năm hoa đặc kín, năm nay búp cũng đầy cành. Vui hơn là căn nhà mới xây hơn 200 triệu của ông đã kịp hoàn thành trước Tết.


Là một gia đình làm ăn căn cơ, riêng vụ mía năm nay ông đã lãi gần trăm triệu, căn nhà là tiền dành dụm từ hai vụ mía. Cả ấp Xoài Rụm này không ai không trồng mía, nhà nhiều nhất được khoảng hơn 20 công, ít thì cũng được vài công. Hai năm nay mía trúng, được giá, mỗi công trung bình cũng lãi khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn có 10 công lúa, dư ăn dư để…

“Hầu hết người Khmer ở ấp này ăn Tết chung với người Kinh, bà con vẫn cúng ông bà và cùng đi chùa vào tối 30 Tết. Ngày đầu năm mọi người cũng sẽ gặp gỡ, chúc mừng vui chơi, hoàn toàn không có khác biệt nào trong văn hóa giữa người Kinh và người Khmer trong việc ăn Tết Nguyên đán. Năm nay ấp Xoài Rụm sẽ có một cái Tết đầm ấp và phấn khởi hơn nhiều khi những chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đang phát huy hiệu quả, đời sống đồng bào ngày càng khá lên”- ông Nhan cho biết.

Bước vào một ngôi nhà đang xây khá khang trang bên đường, chủ nhà, anh Liên Từ cho biết, nhà được xây nhờ Nhà nước hỗ trợ theo diện 167. Tuy chỉ được Nhà nước hỗ trợ và cho vay tổng cộng 16,4 triệu đồng, nhưng gia đình anh đã xây dựng được căn nhà trị giá hơn 40 triệu đồng nhờ tiền dành dụm từ vụ mía. Nhà đang vào giai đoạn hoàn thành, kịp đón năm mới nên niềm vui cũng được nhân lên.


Dọc những con đường chúng tôi qua, những ngôi nhà diện 167 đều được xây dựng khang trang, giá trị cao hơn nhiều lần so với số tiền được hỗ trợ. Theo số liệu của xã Kim Sơn, đến nay, toàn xã đã có 763 căn nhà diện 167 được xây dựng với tổng vốn hơn 11,4 tỷ đồng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, bà con nghèo của xã còn được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng để ăn Tết.

Điều đáng mừng là không chỉ dừng ở những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều hộ gia đình Khmer đã vươn lên làm giàu từ chính những suy nghĩ táo bạo và khả năng của mình, trở thành những nông dân “thứ thiệt” giống như cách mọi người hay gọi ông Sơn Sagnône ở ấp Nguyệt Lãng A, xã Bình Phú, huyện Càng Long.


Ông, một nhà nông đầu tiên của xã dám bỏ tiền túi 175 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp vào năm 2007 để thu hoạch lúa cho gia đình và làm dịch vụ. Cỗ máy trị giá gần 3.000 giạ lúa thời điểm bấy giờ được ông đem về khiến nhiều người nói ông dư tiền “chơi sang”.

Anh Liên Từ bên căn nhà sắp hoàn thành để đón Tết.

Đến thăm gia đình ông vào những ngày giáp Tết, ông hồ hởi cho biết sẽ ăn Tết lớn vì một năm làm ăn hiệu quả. Ông tự hào nói về cỗ máy, “Được nó để trong nhà tôi cầm chắc trong tay 8 nhân công thu lúa. Khi cần là ra đồng không sợ chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công như trước đây.


Đó là chưa kể máy còn giúp tôi có thêm những khoản lợi như giảm chi phí so với thu hoạch lúa thủ công, thời gian thu hoạch lúa nhanh hơn. Ngoài việc phục vụ trong gia đình, riêng phần làm dịch vụ, trong 3 năm đã có thể thu hồi vốn”. Với cách làm ăn của gia đình ông Sơn Sagnône, cho thấy chính sách hỗ trợ nông dân mua nông cụ phục vụ sản xuất đang phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng.

Gặp sư cả, Hòa thượng Thạch Sok Xane – Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh khi ông đang theo dõi phiên bế mạc Đại hội Đảng, ông chia sẻ: Mấy hôm nay, tôi liên tục theo dõi diễn biến Đại hội Đảng. Vui mừng vì đất nước đang bước vào một giai đoạn mới, hứa hẹn những bước phát triển mới của đất nước.


Riêng với đồng bào Khmer, trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua những chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng cao mọi mặt về nhận thức và đời sống văn hóa. Nhiều chính sách đã mang lại những hiệu quả thiết thực, thay đổi cơ bản đời sống vùng đồng bào dân tộc.


Mong rằng, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển cả về đời sống kinh tế lẫn văn hóa tinh thần… Nói về Tết Nguyên đán, sư cả Thach Sok Xane cho biết, tuy trong văn hóa truyền thống người Khmer không ăn Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay, Tết Nguyên đán lại là những ngày rất vui, Tết Nguyên đán thực sự là Tết chung của cả cộng đồng, ngay cả trong chùa cũng vậy.

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN