Cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, đông đảo người dân ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) lại nô nức trẩy hội Tết Doi. Tết Doi còn được gọi là hội cầu mùa, hội xuống đồng của người Mường nơi đây để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an, mạnh khoẻ…
Trong tiết trời xuân ấm áp, hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã đến chung vui và khám phá nét văn hoá đặc sắc của đồng bào vùng núi cao Tân Sơn.
Ông Hà Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Thu Cúc cho biết: Hàng năm cứ đến ngày mùng 7 Tết, chính quyền địa phương và người dân xã Thu Cúc lại tổ chức lễ hội Tết Doi để anh em, bạn bè, con cháu được gặp mặt sum vầy bên nhau và ăn Tết lại. Sau khi lễ hội kết thúc, người dân lại bắt đầu với công việc đồng áng của mình.
Không biết Tết Doi có từ bao giờ, nhưng theo những già làng nơi đây kể lại thì ngày trước, người Mường Thu Cúc thường bắt đầu ăn Tết từ 23 tháng Chạp, ngày này mọi người trong làng tổ chức đi tảo mộ, dọn dẹp đình làng để chuẩn bị đón Xuân và bắt đầu những hoạt động vui chơi ngày tết như ném còn, chơi đu, chọi gà, vật truyền thống…
Nhưng cũng có cụ già khác kể lại, Tết Doi là để dành cho những người con đi chiến trận mà trong dịp Tết không về sum họp cùng gia đình được. Sau Tết Doi ai có việc ở xa thì tiếp tục lên đường, những người ở lại quê hương cũng bắt đầu công việc đồng áng.
Trong Tết Doi, phần lễ được bắt đầu bằng tục rước vía lúa. Đoàn rước khởi hành từ trung tâm xã qua hơn 5km đến Miếu thờ vía lúa ở cửa Mường làm lễ tế thần linh, sau đó rước vía lúa về trung tâm xã làm lễ cúng rồi phân phát lúa cho các bản, các Mường, mở đầu cho mùa sản xuất trong năm.
Đi đầu đoàn rước là thầy mo, người am hiểu những luật tục, thuộc lòng các bài khấn được dân bản giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh và thực hiện nghi lễ cúng tế rước vía lúa. Đi sau là đội chiêng trống, kiệu rước và đội đâm đuống, chạm ống.
Những cụm lúa to, hạt chắc mẩy cùng lễ vật được rước trên kiệu về địa điểm làm lễ. Thầy mo ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu ba hồi chiêng trống vang vọng núi rừng, trời đất, rồi thực hiện nghi lễ cúng. Thầy khấn mời vía lúa, chia lúa giống cho dân bản rồi rước vía lúa về đền thờ vía lúa để thờ. Trong suốt thời gian tổ chức lễ rước và lễ cúng vía lúa, nhà Lang nổi chiêng trống và dân bản khua đuống rộn ràng mời gọi vía lúa.
Theo quan niệm của người Mường Thu Cúc “vía lúa” là nàng cơm, nàng gạo từ Mường Trời về lo cho mùa màng ở Mường Người được no đủ. Hồn lúa ở lại với người thì thóc sẽ đầy bồ, ngô sẽ đầy thúng và năm đó sản xuất sẽ thuận lợi, đời sống sẽ no ấm.
Chủ tịch UBND xã Thu Cúc Hà Văn Khanh cho hay lễ hội xuống đồng năm nay được xã tổ chức quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo các khu dân cư trong xã. Tuy là lễ hội mang đậm nét văn hóa của người Mường, song người Dao, người Mông trong xã cũng đến chia vui.
Ngay từ sáng sớm 5/2 (tức ngày 6 Tết), hàng nghìn người dân đã đến khu Trung tâm xã để biểu diễn nhiều tiết mục diễn xướng dân gian như: Chạm ống, đâm đuống, múa mỡi, múa sạp của người Mường, múa chuông, múa lập tĩnh của người Dao, múa khèn của người Mông… Ngoài ra, còn có các tiết mục văn hóa, văn nghệ, thắp ngọn lửa trại… đã được các khu dân cư lựa chọn đem đến biểu diễn nhằm giao lưu văn hóa và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Việc kết hợp những lễ hội truyền thống gắn với sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã trở thành nét văn hóa giàu bản sắc và đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi để đồng bào dân tộc Mường xã Thu Cúc nói riêng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Sơn nói chung phấn khởi bước vào một năm mới với nhiều hứa hẹn mới.
Tạ Văn Toàn