Tàu hai chân vịt chinh phục khơi xa

Lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam, một nhóm ngư dân đã thành công trong việc vươn ra khơi xa, khai thác hải sản dài ngày trên biển bằng phương tiện tàu cá lắp 2 chân vịt thay thế cho tàu lắp 1 chân vịt truyền thống.


 

Tàu cá lắp 2 chân vịt được đóng mới tại Cơ sở đóng tàu Kỳ Hà, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

 

Những chiếc tàu cá được lắp 2 chân vịt xuất hiện nhiều ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, địa phương đi đầu ở tỉnh Quảng Nam về đóng mới tàu thuyền có công suất lớn.


Lợi thế khi hành nghề


Tàu cá được lắp 2 chân vịt có cấu trúc và hình dáng hoàn toàn giống tàu lắp một chân vịt truyền thống. Kỹ sư Trần Quang Kiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, đơn vị chịu trách nhiệm đăng kiểm tàu cá của địa phương cho biết: Tàu 2 chân vịt cũng được kiểm tra đăng kiểm ở các nội dung chính như máy tàu, thân tàu và trang thiết bị đi biển. Kết cấu kỹ thuật của tàu lắp 2 chân vịt cũng hoàn toàn giống như tàu lắp một chân vịt. Hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 15 tàu đánh cá có công suất từ 400 CV đến 1.100 CV đã được ngư dân lắp 2 chân vịt để hành nghề lưới vây, câu mực và giã cào ở ngư trường khơi xa.
Là người dày dạn kinh nghiệm trong việc đóng tàu cũng như chỉ huy khai thác hải sản dài ngày ở ngư trường xa bờ và được anh em thợ thuyền ở đây phong tặng danh hiệu “kỹ sư đóng tàu”, anh Huỳnh Minh Cảnh, chủ nhân của một trong 4 chiếc tàu được lắp 2 chân vịt có tổng công suất 1.100 CV trị giá hơn 5 tỷ đồng cho biết: Trước đây cũng có tàu đánh cá của ngư dân được lắp 2 máy thủy nhưng chỉ có một máy chính được gắn chân vịt để làm động cơ đẩy tàu chạy tới, máy phụ còn lại không được lắp chân vịt mà chỉ dùng để chạy máy phát điện phục vụ cho sinh hoạt, phục vụ hậu cần trên tàu và câu nhử đàn cá. Tàu được lắp 2 chân vịt có lợi thế hơn rất nhiều. Thứ nhất, nếu chẳng may tàu bị hỏng máy thì tàu lắp một chân vịt hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, lúc đó con tàu cứ trôi tự do trên biển, nguy hiểm vô cùng. Trong khi đó tàu được lắp 2 chân vịt, nếu máy chính bị sự cố khiến một chân vịt không hoạt động được thì máy phụ sẽ hoạt động, chân vịt thứ 2 sẽ đảm nhận nhiệm vụ đưa con tàu tiếp tục hành trình. Lợi thế thứ hai là khi vận hành cùng lúc hai máy, tàu hai chân vịt sẽ chạy nhanh hơn, điều này đặc biệt ý nghĩa khi có bão to, tàu thuyền cần nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn. Với việc chạy cùng lúc 2 chân vịt, thời gian từ đất liền ra đến ngư trường khơi xa giảm xuống còn 1/2. Điều này không những giúp ngư dân nhanh chóng tiếp cận với ngư trường, tăng thời gian bám biển của mỗi chuyến ra khơi mà còn kịp thời tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm hải sản khai thác được.

Mong tiếp cận vốn vay

Tuy nhiên việc lắp 2 chân vịt khiến giá thành của con tàu tăng lên. Ông Huỳnh Minh Cảnh cho biết: Trước đây ngoài việc lắp máy chính để chạy tàu, máy phụ còn lại chỉ có giá khoảng trên dưới 100 triệu đồng. Còn bây giờ lắp thêm chân vịt thì đòi hỏi máy phụ cũng phải được “lên đời”. Với giá hiện tại, mỗi máy phụ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và công suất để lắp chân vịt có giá ít nhất cũng gấp 3 lần so với máy phụ trước đây. Đây là khoản chi phí không nhỏ đối với ngư dân khi đã “dốc ống” để đầu tư đóng mới con tàu.

Vươn ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển là ước mơ của các ngư dân, để vừa khai thác nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Hỗ trợ vốn để ngư dân lắp tàu cá 2 chân vịt để nâng cao công suất và khả năng bám biển dài ngày là điều rất cần thiết.

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN