Tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp và nông dân

Việc triển khai nguồn vốn tín dụng tái canh cà phê trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên hiện còn gặp nhiều vướng mắc, doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Từ đó các địa phương không đầu tư mở rộng diện tích trồng mới mà vận động các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tập trung nguồn lực cho trồng tái canh lại diện tích cà phê già cỗi.

Tháo gỡ khó khăn về vốn

Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai khẳng định: Nguồn vốn cho vay tái canh cây cà phê không thiếu nhưng việc triển khai còn hạn chế và chậm. Đến nay, ngân hàng mới giải ngân hơn 21 tỷ đồng cho Công ty cà phê Ia Grai, Công ty cà phê Ia Sao và hai hộ dân vay tái canh gần 270 ha. Vì vậy, để các doanh nghiệp và người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn này, các cấp chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc khảo sát, quy hoạch lại vùng tái canh, diện tích cần tái canh và xác định lại cây con giống phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng đất... Về phía ngân hàng, tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát và bước đầu đã xác định được nhu cầu cần tái canh của người dân vào khoảng 2.000 ha.

Để các doanh nghiệp và người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn, các cấp chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc khảo sát, quy hoạch lại vùng tái canh. Ảnh: viết tôn

Với lợi thế về tiềm năng thổ nhưỡng, cây cà phê Gia Lai đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực mang lại lợi ích kinh tế cao góp phần quan trọng xoá đói, giảm nghèo nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để cây cà phê tiếp tục phát triển bền vững và chất lượng hơn trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng tái đầu tư khoảng 27.000 ha cà phê (chiếm trên 30% tổng diện tích) đến thời kỳ già cỗi, kém năng suất, chất lượng giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Xác định cà phê là lĩnh vực đầu tư mũi nhọn, những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực mở rộng đầu tư tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững các vùng chuyên canh cây cà phê. Chỉ tính riêng năm 2013, doanh số cho vay đầu tư cà phê đạt trên 9.300 tỷ đồng, theo đó dư nợ tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm qua đạt khá cao (33,8%), do đó ngành cà phê của tỉnh đang rất cần một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài về nguồn vốn cũng như phương án để ổn định phát triển bền vững trong tương lai.

Không mở rộng diện tích trồng mới

Theo ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay Đắk Lắk có chủ trương không đầu tư mở rộng diện tích trồng mới mà vận động các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tập trung nguồn lực cho trồng tái canh lại diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh năng suất, hiệu quả kinh tế kém. Ngay mùa mưa năm nay, các nông hộ, các doanh nghiệp có kế hoạch trồng tái canh 3.758 ha. Như vậy, trong hai năm 2012 - 2013, tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh trên 6.287 ha cà phê.

Nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật từ khi chuẩn bị đất, trồng, chọn giống đến chăm sóc nên hiện nay, 100% diện tích cà phê mới trồng tái canh đều phát triển tốt. Cũng chính thực hiện nghiêm ngặt quy trình tái canh và đưa vào trồng bằng các giống cà phê mới, chăm sóc tốt nên hàng chục ha cà phê trồng tái canh mới một năm tuổi ở Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi đã cho thu bói.

Từ kinh nghiệm trồng tái canh cà phê của các năm trước đạt hiệu quả kinh tế cao, tỷ lệ cây sống trên các vườn cây đều đạt 100% nên hiện nay, ngay từ đầu mùa mưa, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê chỉ đưa diện tích đất sau khi đã được luân canh ít nhất hai năm tính từ khi nhổ bỏ cây cà phê già cỗi, sâu bệnh bằng các loại cây họ đậu, cây trồng ngắn ngày khác mới đưa vào trồng tái canh cà phê. Tỉnh Đắk Lắk cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp kỹ thuật đào hố (bằng máy, thủ công), khoảng cách 3x3 mét để có mật độ 1.111 hố/ha (1.111 cây cà phê/ha), bón lót phân chuồng ủ hoai mục, vôi, phân lân trộn đều với lớp đất mặt cho xuống hố, với lượng bón 10 kg phân chuồng cộng 1 kg vôi cộng 0,5 kg lân nung chảy/hố. Những vùng không có đủ phân chuồng dùng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học thay thế, với lượng từ 3 đến 4 kg/hố. Đắk Lắk cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sử dụng các giống cà phê vô tính đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… đưa vào trồng đại trà. Các nông hộ, các doanh nghiệp cũng chỉ chọn các cây con giống cà phê đạt tiêu chuẩn về tuổi cây (6 - 8 tháng) có chiều cao từ 25 - 30cm, 5 - 6 cặp lá… mới đưa vào trồng. Tỉnh cũng khuyến cáo đến các nông hộ, doanh nghiệp sau khi trồng tái canh cà phê cần tiến hành tạo bồn, ép xanh, ủ gốc, trồng ngay cây đai rừng che, chắn gió… để góp phần tạo điều kiện cho vườn cà phê phát triển bền vững. Ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng tạo điều kiện, nhất là giảm bớt các thủ tục giấy tờ, lãi suất thấp để giúp các nông hộ có thêm nguồn vốn đầu tư trồng tái canh cà phê.

Tỉnh Đắk Lắk hiện nay có trên 202.500 ha cà phê trong đó có hàng chục ngàn ha cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, cho năng suất thấp. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đầu tư trồng tái canh trên 30.442 ha cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh có năng suất, hiệu quả kinh tế kém.

12.000 tỷ đồng cho vay tái canh cà phê Ngân hàng Nhà nước dành 12.000 tỷ đồng để phục vụ cho vay tái canh cây cà phê với các điều kiện tín dụng hết sức “dễ chịu”, như lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn cho vay phù hợp một chu kỳ tái canh cà phê (khoảng từ 3-5 năm), thậm chí cho vay thời hạn lên tới 5 - 7 năm. Ngành ngân hàng sẵn sàng áp dụng các chính sách tín dụng phù hợp và đồng hành cùng với doanh nghiệp trong việc ưu tiên sản xuất chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu đối với tái canh cây cà phê nói riêng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành địa phương thì mới đẩy nhanh tiến độ giải ngân được, ngân hàng không thể biết vùng nào cần quy hoạch, quy hoạch bằng giống gì, trồng xen canh cây gì để bảo đảm người trồng cà phê vẫn có thu nhập nhất định trong quá trình tái canh. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguy cơ mất ổn định Theo số liệu thống kê của hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong vòng từ 3 - 5 năm tới, diện tích cà phê có độ tuổi trên 20 sẽ chiếm gần 50% diện tích cà phê của cả nước. Ngay tại Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của cả nước, hiện nay đã có trên 120.000 ha ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh và đang đe dọa đến sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam. Do vậy, vấn đề tái canh cà phê đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên tập trung nghiên cứu, tìm ra các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để chuyển giao đến cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê thực hiện tái canh cà phê hữu hiệu nhất. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên Lãi suất vay vẫn cao Doanh nghiệp đã tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi dành cho tái canh cà phê, song lượng vốn được vay mới chỉ đạt 50%. Hơn nữa lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao và ở mức trên 10%, thời gian thu hồi vốn lại quá ngắn vì giai đoạn này đang là giai đoạn kiến thiết cơ bản nên doanh nghiệp gặp khó khăn và chỉ mới tái canh được gần 200 ha trong tổng số 300 ha, trong đó hơn 100 ha đã đi vào kinh doanh cho năng suất bình quân 4 tấn cà phê nhân/ha. Ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc công ty TNHH một thành viên cà phê Ia Grai tỉnh Gia Lai

Hoài Nam-Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN