Xác định năm 2014, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thành phố Hà Nội đã quyết định tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, năm 2013, thành phố đã xác định việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành. Thành phố đã tổ chức 9 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, thuế và tiếp cận vốn vay của các ngân hàng… Cùng với đó, thành phố đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành khảo sát tại gần 100 doanh nghiệp để xử lý tại chỗ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho và thúc đẩy thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước và các nước trong và ngoài khu vực, qua đó giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường…
Năm 2014, Hà Nội tiếp tục chi 300 tỷ đồng để bình ổn 10 mặt hàng thiết yếu. |
Chính vì vậy, bước vào năm 2014, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty may 10 đề xuất: “Sở Công Thương thành phố nên tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đến các thị trường mới như Nam Phi. Thực tế chương trình xúc tiến thương mại đi Brazil, Australia trong năm qua đã mang lại hiệu quả nhất định, nhờ đó, đơn hàng xuất khẩu năm qua của doanh nghiệp đã tăng 20%. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tăng cường xúc tiến, giới thiệu với các đoàn thương mại nước ngoài đến Việt Nam để họ đến thăm xưởng sản xuất, ký kết hợp đồng”.
“Trước tình hình khó tiếp cận nguồn vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hà Nội sẽ sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội và các quận huyện tổ chức hội nghị chuyên đề về đất đai để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sử dụng đất, kinh doanh bất động sản”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu |
Còn ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, tình hình kinh tế năm 2014 có tín hiệu sáng sủa đôi chút, song còn hết sức khó khăn. Sức mua năm nay dự báo chưa thể tăng mạnh. Do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết để doanh nghiệp hoạt động tốt. Trong đó nên đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại hướng tới những thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố, đồng thời có những cơ chế ưu đãi cho sản phẩm chủ lực của thành phố khi tham gia các chương trình xúc tiến. Bên cạnh đó, thành phố cần ưu tiên xúc tiến thương mại ở khu vực nông thôn nhằm kích cầu khu vực này. Đây là thị trường rất lớn mà nhiều doanh nghiệp Việt vẫn bỏ ngỏ.
Thực hiện giải pháp linh hoạt
Nhu cầu vốn luôn là ưu tiên với nhiều doanh nghiệp, nhưng theo phản ánh việc tiếp cận nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ phát triển thị trường vẫn gặp phải một số khó khăn. Ông Vũ Thanh Sơn kiến nghị hệ thống ngân hàng mạnh dạn tái cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp để có thời gian sản xuất, ổn định và trả nợ cho ngân hàng. Trong năm 2013, các doanh nghiệp xuất khẩu nợ đọng nhiều, trong khi thị trường nội địa sức mua giảm 20 - 30%. Do đó, việc ngân hàng giãn nợ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian trả nợ. Cũng theo ông Sơn, việc cho vay nên dựa trên năng lực sản xuất kinh doanh hơn là tài sản bảo lãnh. Thực tế, doanh nghiệp lớn như Hapro vẫn được vay tín chấp 100%, nhưng với doanh nghiệp nhỏ thì khó vay ngân hàng. Mức lãi suất cho vay cũng phải tiếp tục thấp hơn nữa, chỉ nên ở mức 4 - 5%/năm.
Bà Trương Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty dệt kim Đông Xuân:
Quan tâm đào tạo quản trị doanh nghiệp
Thành phố nên quan tâm, hỗ trợ chương trình đào tạo quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo. Trong xu thế cạnh tranh, vấn đề quản trị doanh nghiệp có yếu tố sống còn vì quyết định hướng đi của doanh nghiệp và các giải pháp thị trường. Bên cạnh đó, giá thuê đất hiện rất cao, giá thuê đất hiện cao gấp 8 lần so với năm 2010 dẫn đến giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ yếu là hàng xuất khẩu nên không thể tăng giá sản phẩm liên tục bởi so sánh giá cạnh tranh với các nước trong khu vực…
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C:
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng
Hệ thống siêu thị Big C chủ yếu tiêu thụ 90% hàng Việt Nam, mong muốn mở rộng hệ thống siêu thị Big C đến các huyện, thị trấn của Hà Nội. Do đó, chúng tôi rất muốn biết quy hoạch hệ thống thương mại của thành phố và tham gia đóng góp ý kiến cho việc phát triển hệ thống siêu thị của thành phố. Trong quá trình phát triển mạng lưới siêu thị, chúng tôi rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng nên rất mong muốn thành phố Hà Nội giới thiệu địa điểm và cơ chế để siêu thị Big C mở trường đào tạo nghề dịch vụ ở siêu thị, hướng tới sự phục vụ chuyên nghiệp. |
Đồng quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần nguồn vốn hoạt động nhưng khó tiếp cận. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục cải cách thủ tục và tuyên truyền cụ thể chương trình hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và được hỗ trợ vay vốn cho sản xuất kinh doanh. Theo ông Mạc Quốc Anh, trước khi ban hành chính sách hỗ trợ hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ cần mời các hiệp hội chuyên ngành đóng góp ý kiến để sát với nhu cầu hơn.
Cùng với nguồn vốn, chi phí thuê nhà, đất tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất được nhiều doanh nghiệp kiến nghị. Ông Hoàng Long Quang, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hà Nội bức xúc: Giá tiền thuê đất có chỗ tăng 8 - 10 lần so với năm 2010 và thực tế các văn bản hướng dẫn giảm thuế thuê đất từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được thực hiện, nên vẫn “treo lơ lửng”, khiến doanh nghiệp mất ăn mất ngủ. Do đó thành phố cần sớm chỉ đạo Cục Thuế sớm có hướng dẫn cụ thể vì thực thực tế doanh nghiệp vẫn đang tự tính và chưa quyết toán khoản này”.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ vốn của thành phố. Đến nay, đã có 11 hồ sơ hỗ trợ sau đầu tư với hơn 9,5 tỷ đồng; còn hỗ trợ lãi suất vốn vay ngắn hạn đã tiếp nhận 14 hồ sơ với nguồn vốn gần 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2013, tổng số thuế gia hạn theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ là 14.658 tỷ đồng, trong đó gia hạn về thuế giá trị gia tăng đối với 13.056 doanh nghiệp là 453 tỷ đồng; gia hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp với 11.097 doanh nghiệp là 1.050 tỷ đồng; Giảm tiền thuê đất cho 4.489 tổ chức, cá nhân với số tiền là 2.218 tỷ đồng; gia hạn tiền sử dụng đất đối với 30 hồ sơ với số tiền được gia hạn là 8.450 tỷ đồng… Nhờ đó, doanh nghiệp đã có thêm nguồn vốn để tái sản xuất.
Theo chủ trương của thành phố, năm 2014, Hà Nội tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở những đề xuất của doanh nghiệp, thành phố tiếp tục hỗ trợ thị trường, thực hiện các giải pháp đa dạng, linh hoạt nhằm kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho. Trong đó, thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố thông qua thực hiện giải ngân hơn 300 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ 10 nhóm hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai các biện pháp xúc tiến thương mại, dành 40 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại; dành 13 tỷ đồng thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư; dành 7 tỷ đồng cho việc đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dành 16 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến công của thành phố…
Hà Nội cũng sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Với giá đất cao do chính sách mà doanh nghiệp phản ánh, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ để giải quyết vấn đề này. Các sở ngành trong thành phố sẽ phối hợp với ngân hàng tiếp tục giãn nợ, đảo nợ cho doanh nghiệp phục hồi để trả nợ. Thành phố thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, hỗ trợ vay vốn tính dụng phục sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý. Thành phố tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.
Xuân Cường