Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ, trong đó vùng miền núi chiếm 69% diện tích toàn tỉnh. Vùng miền núi dân tộc bao gồm ba huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh; 4 huyện có xã miền núi là Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Đây là địa bàn cư trú của 31 dân tộc anh em với dân số trên 230 nghìn người (chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh).
Quang cảnh buổi làm việc. |
Việc thực hiện phân định miền núi, vùng cao thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực này là 35%; thu nhập bình quân đạt 18 đến 26 triệu đồng/người/năm (riêng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân từ 12 đến 14 triệu đồng/người/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm mỗi năm từ 3 đến 4% (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4 đến 5%). Tỉnh đã thực hiện 6 dự án định canh, định cư tập trung với gần 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi. Bên cạnh đó, việc phân định đã tạo điều kiện để thực hiện các chính sách dân tộc khác như: chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách cử tuyển; chính sách thu hút giáo viên, bác sỹ lên công tác ở vùng miền núi…
Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương cần tăng vốn đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn khu vực dân tộc, miền núi vì hiện nay định mức đầu tư còn thấp; xem xét giảm tiêu chí đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để xác định xã đặc biệt khó khăn; xây dựng một số chính sách hỗ trợ cho các huyện nghèo và xã khó khăn hoàn thành chương trình 135…
Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao kết quả phân định vùng miền núi và dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi và vùng cao ở tỉnh Phú Yên.
Đồng thời, Đoàn đề nghị tỉnh, nhất là các xã, huyện miền núi cần nắm vững những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và miền núi để thực hiện có hiệu quả; gắn chặt chính sách dân tộc với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất ở các vùng miền, sử dụng tốt nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất; quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo đội ngũ cán bộ ở vùng dân tộc và miền núi...