Thực hiện công tác dân tộc năm 2016, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng 1.660 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ 2.382 công trình nước sinh hoạt phân tán. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; tỉnh đã xây dựng 3 dự án và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Đến nay, gần 99% số xã miền núi có điểm phục vụ bưu chính viễn thông tại các bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã, với 203 điểm phục vụ.
100% trung tâm xã có mạng truyền dẫn cáp quang; hầu hết các thôn bản được phủ sóng thông tin di động. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt với các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ thôn, bản. Về chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái, đến nay, một số huyện miền núi đã được đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt như: Khu đô thị cửa khẩu quốc tế Na Mèo và thị trấn Quan Sơn, thị trấn Bến Sung, thị trấn Cành Nàng…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất, kiến nghị Trung ương cấp bổ sung vốn còn thiếu là 30.561 triệu đồng để tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình 135 năm 2016; đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung vốn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020...
Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị tỉnh nhanh chóng khắc phục một số vấn đề tồn tại trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn. Đối với những kiến nghị của tỉnh, Ủy ban Dân tộc ghi nhận và sẽ trình Chính phủ xem xét.