Tăng viện phí phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với 84,5% số phiếu tán thành, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức thông qua việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho cơ sở y tế công lập trên địa bàn với mức tăng bình quân gấp đôi so với mức đang áp dụng. Mức tăng này sẽ chính thức được áp dụng từ 1/8. Với ngành y tế Hà Nội, đây là một "cơ hội" để phát triển khi nguồn thu cũng sẽ tăng lên gấp đôi, tuy nhiên, với người dân thì đây thực sự là điều đáng lo, nhất là với những người nghèo.


Áp dụng mức giá từ... 18 năm trước


 

Khung giá dịch vụ y tế mà các bệnh viện Hà Nội đang áp dụng là dựa trên cơ sở giá tính ở thời điểm Thông tư 14 ban hành (cách đây 18 năm), chính vì vậy đã không còn phù hợp. "Trong khi các chi phí phục vụ khám chữa bệnh liên tục tăng, thì phí dịch vụ y tế quá thấp, các bệnh viện thường xuyên phải "co kéo" cắt giảm chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

 

Điều trị cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu ngoại, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Nếu không tăng giá, nhiều bệnh viện của Hà Nội không đủ tiền mua thuốc, vật tư, thiết bị. Thực tế, nhiều bệnh viện của Hà Nội đang lâm vào cảnh nợ nần", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên khẳng định.


Có 819 dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh. Cụ thể, đối với khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại I được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng cho danh mục khám, cấp Giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ. Đối với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng I được điều chỉnh từ 15.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày...

Cùng chung suy nghĩ này, Giám đốc Bệnh viện Vân Đình, ông Nguyễn Văn Chương, chia sẻ: "Càng nhiều bệnh nhân mổ, bệnh viện càng phải bù lỗ. Mà lỗ thì không có kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị y tế, dẫn đến máy móc hay bị hỏng. Bệnh viện không có trang thiết bị khám chữa bệnh, người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị với giá dịch vụ y tế cao hơn nên mức chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cũng cao hơn. Người bệnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Việc điều chỉnh viện phí sẽ giúp bệnh viện không phải bù lỗ vật tư tiêu hao, hóa chất và có điều kiện duy tu bảo dưỡng máy móc, phụ thêm tiền điện nước”.


Cũng theo bà Lưu Thị Liên, dù điều chỉnh lên gấp đôi, nhưng viện phí điều chỉnh lần này cũng mới chỉ tính đúng, chứ chưa thể tính đủ các chi phí thực tế. Tuy nhiên, với mức tăng này, sẽ giúp các bệnh viện công của Hà Nội đỡ phải bù lỗ, giảm bớt khó khăn cho các cơ sở y tế.

 

Phải cải tạo cơ sở hạ tầng


Làm một phép tính đơn thuần, sau khi điều chỉnh viện phí, kinh phí thu được từ hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội sẽ tăng gấp đôi. Cụ thể, nếu như trước đây, nguồn kinh phí này là 1.200 tỷ đồng/năm thì nay sẽ tăng lên 2.400 tỷ đồng/năm. Phần kinh phí tăng thêm này dự kiến sẽ được dành 70 - 80% chi trả trở lại tiền thuốc, vật tư tiêu hao cho các cơ sở y tế; phần còn lại được chi cho trên 40 cơ sở khám chữa bệnh với mức trung bình mỗi cơ sở được từ 3 - 5 tỷ đồng/năm.


Điều đặt ra là với mức tăng như vậy, thì các bệnh viện sẽ làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.


Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết: Khi cho phép tăng viện phí, thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế được phép áp dụng giá điều chỉnh, phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị điều hòa, máy vi tính, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa… cho các phòng khám, buồng khám và 15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để thực hiện theo quy định hiện hành.


Việc tăng viện phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng là vấn đề đang được ngành y tế Hà Nội trăn trở tìm giải pháp. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, cho biết: Cùng với việc áp dụng mức viện phí mới từ ngày 1/8, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh, cơ sở nào vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

 

Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội (HĐND Hà Nội): Phải chống lạm dụng kỹ thuật chiếu chụp, xét nghiệm

 

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương cuối cùng áp dụng việc điều chỉnh tăng viện phí. Việc tăng viện phí lần này cũng là áp lực không nhỏ với ngành y tế Hà Nội, bởi phải nâng cao chất lượng để tương xứng với chi phí người bệnh bỏ ra. Tuy nhiên, các bệnh viện cũng phải tăng cường quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống lạm dụng kỹ thuật chiếu chụp, xét nghiệm… để giảm chi phí cho người bệnh. Về lâu dài, các cơ sở bệnh viện phải nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu, tiến tới tự chủ về tài chính.

 

Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn Trần Đăng Khoa: Sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

 

Việc điều chỉnh viện phí lần này giúp bệnh viện không phải bù lỗ vật tư tiêu hao, hóa chất; duy tu bảo dưỡng máy móc; phụ thêm tiền điện nước... nhưng chưa đủ để mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị cũng như nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, nếu đã giảm được bù lỗ, bệnh viện sẽ có điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

 

Bà Dư Thị Liên, 46 tuổi ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa: Lấy đâu tiền chi trả

 

Tôi thường xuyên ốm đau phải đi bệnh viện, nhưng không mua bảo hiểm y tế do phải đóng một lúc mấy trăm ngàn đồng mua thẻ mà đi khám bệnh không được đối xử như bệnh nhân khác, phải chờ đợi lâu. Nhà chỉ có 8 sào lúa, mỗi năm thu vài tấn thóc, nếu chỉ ăn cơm rau, cơm muối mỗi năm chỉ để ra được 3 triệu đồng. Nếu tăng viện phí, nhà nông như tôi lấy đâu tiền chi trả?

 

Ông Phan Mạnh Đức, huyện Từ Liêm: Mong được khám chữa bệnh tốt hơn

 

Là cán bộ hưu trí, có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám bệnh tôi vẫn thấy sự thiếu công bằng giữa khám chữa bệnh dịch vụ với bảo hiểm y tế. Nay đã tăng viện phí thì các bệnh viện cũng cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến cơ sở. Mỗi lần đi khám, phần dịch vụ do người bệnh chi trả như tôi cũng mất vài trăm ngàn đồng mỗi tháng.

 

Tuyết Mai - Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN