Tăng cường tính minh bạch trong Luật Ngân sách

Luật Ngân sách Nhà nước (năm 2002) đang được lấy ý kiến cộng đồng nhằm sửa đổi bổ sung, trình Quốc hội. Để tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ luật này, rất cần tăng cơ hội tiếp cận, tham gia và giám sát của người dân cũng như các tổ chức xã hội.


Tăng tính công khai, giải trình


Ths Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính -Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) nhận xét: So với Luật Ngân sách năm 1996, một trong những điểm tiến bộ của Luật Ngân sách năm 2002 là Điều 3, có nêu nội dung công khai, minh bạch.


Tuy nhiên, theo tính toán chỉ số minh bạch ngân sách của Tổ chức minh bạch ngân sách quốc tế (IBB), dù Việt Nam đã có sự tiến bộ nhưng điểm minh bạch năm 2012 vẫn xếp hạng kém.


Trên thực tế, Luật Ngân sách 2002 vẫn bị chi phối bởi các chủ thể khác. “Luật quy định như thế này, nhưng văn bản chỉ thị lại khác, thậm chí có những văn bản không mang tính pháp quy, ví như thư tay, bút phê” - Ths Nguyễn Minh Tân thẳng thắn nhận xét.


Trong cơ cấu thu- chi ngân sách, vẫn còn nhiều khoản quỹ, khoản thu “để ngoài ngân sách” và nhiều khoản chi mang “đặc thù Việt Nam”, không theo thông lệ quốc tế. Tất nhiên, khả năng giám sát những khoản thu này cũng hạn chế.


Trong khi đó, sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của Luật Ngân sách chưa thực hiện tốt.


“Thời gian lập, giao dự toán ngân sách là quá ngắn, nếu cần lấy ý kiến công chúng thì sao có thể làm được” - ông Phạm Minh Tân phân tích. Ở cấp Trung ương, việc lập, giao dự toán bắt đầu từ 15/6 hàng năm, kết thúc thảo luận 20/7; cấp tỉnh thì HĐND quyết định và phân bổ trước 10/12, cấp xã nhận dự toán trước 31/12.


Thời hạn tham gia vào dự toán ngân sách của Quốc hội - cơ quan dân cử - cũng chỉ 45 ngày, trong khi ở các nước thông thường từ 3-4 tháng. Thời gian lập, tổng hợp báo cáo và phê chuẩn quyết toán ngân sách cũng không đủ để kiểm toán báo cáo quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.


Bên cạnh đó, dự thảo ngân sách dù được in ra để Quốc hội góp ý, nhưng vẫn đóng dấu “mật”, và chỉ công bố bản đã được Quốc hội duyệt.


Việc công khai báo cáo kết quả kiểm toán, thanh tra, theo Ths Nguyễn Minh Tân là chưa nhiều, “đâu đó còn chưa khiến người dân “tâm phục khẩu phục”.


Thêm vào đó, ở cấp xã, cấp gần dân nhất, quy định về chi thường xuyên thì đã có định mức nên người dân khó tham gia, có chăng người dân chỉ được biết về ngân sách trong xây dựng cơ bản, và chủ yếu là ở khâu “bổ” bao nhiêu mỗi hộ!


“Cần có quy định trong dự thảo Luật Ngân sách sắp tới về việc công bố dự toán ngân sách ra công chúng để lấy ý kiến trước khi Quốc hội phê duyệt, thời gian cùng với thời điểm Chính phủ trình Quốc hội dự toán” - bà Đặng Ngọc Dung, chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài chính công, đề xuất. Trong quy định đó, nên nêu cả đơn vị chịu trách nhiệm soạn lập. Cũng cần nêu rõ trong luật về cơ chế tham vấn và giám sát của dân trong quá trình lập ngân sách, thực hiện ngân sách; xây dựng chương trình kiểm toán và phản hồi của Chính phủ, Quốc hội sau tham vấn.


Bên cạnh việc nâng cao tính minh bạch, công khai, Luật Ngân sách cũng cần tăng cường trách nhiệm giải trình của các đơn vị dự toán cấp 1; của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư trước Quốc hội... “Luật sửa đổi nên đưa thêm nội dung này, để các bộ liên quan tăng giải trình trước dân, trước cấp trên, tránh đùn đẩy trách nhiệm...” - Ths Nguyễn Minh Tân khẳng định.


Để luật đến được với dân

Một trong những căn cứ để tăng cường khả năng tham gia của người dân trong ngân sách nhà nước, là tăng khả năng tiếp cận thông tin. Theo Ths Nguyễn Minh Tân, khả năng tiếp cận thông tin về ngân sách của người dân hiện rất hạn chế, nhất là các báo cáo dự toán và quyết toán ngân sách năm, báo cáo kiểm toán và thanh tra tài chính, thông báo trúng thầu, các nguồn lực ở cơ sở (viện trợ, ngân sách, đóng góp tự nguyện...).


Thực tế, không phải người dân nào cũng hiểu được các văn bản về tài chính. Do đó, cần một bộ tài liệu có thuyết minh rõ ràng, tạo điều kiện để người dân tham gia ngay từ đầu vào quy trình lập dự toán ngân sách hàng năm.


“Có thể tạm gọi là “ngân sách công dân” - bà Đặng Ngọc Dung đề xuất. Đây là tài liệu trình bày dưới dạng đơn giản, dễ hiểu nhằm cung cấp thông tin cho người dân về kế hoạch thu chi ngân sách trong năm của Chính phủ; có thể tồn tại dưới nhiều dạng để có thể đăng báo, phát trên đài truyền hình, đài tiếng nói hoặc trong các cuộc họp cộng đồng ở cơ sở. Việc soạn thảo tài liệu này nên giao Bộ Tài chính chuẩn bị, vì đây là Bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị dự toán ngân sách.


Bên cạnh sự tham gia của người dân, theo ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để nâng cao khả năng giám sát với ngân sách nhà nước của Quốc hội - cơ quan dân cử - thì cũng phải nâng cao năng lực của các thành viên Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội nên tăng cường sử dụng chuyên gia kỹ thuật với những vấn đề chuyên môn sâu.


Đặc biệt, một cơ chế rõ ràng để xử lý những biểu hiện thiếu minh bạch, công khai, hoặc thiếu trách nhiệm giải trình cần được xác định rõ ngay trong Dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi lần này.


Làm được những điều đó, cơ hội tham gia của người dân sẽ nâng lên, khả năng tham gia và giám sát được tăng cường sẽ góp phần nâng cao minh bạch và tính giải trình trong quản lý ngân sách - cơ hội để nâng cao thu nhập quốc dân, làm “dân giàu, nước mạnh”.

 

5 tổ chức: Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công, Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng, Trung tâm phát triển và hội nhập, Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, Trung tâm hành động phát triển cộng đồng sẽ tham vấn người dân và chính quyền một số tỉnh/thành phố nhằm thu thập ý kiến về Luật Ngân sách sửa đổi, hướng tới việc tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia và vai trò giám sát của cộng đồng trong quản lý ngân sách.


Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN