Tăng cường phòng chống ngộ độc do ăn cá nóc

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, chế biến cá nóc trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm, số ca tử vong do ăn cá nóc và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.

Theo báo báo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Thuận, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá nóc với 18 người mắc, làm 2 người tử vong. Tuy vậy, rất nhiều người dân vẫn chủ quan ăn cá nóc dù đã được cảnh báo là loại cá này có độc tố rất nguy hiểm. Trong các chợ tại Phan Thiết, không khó khăn để tìm mua cá nóc.

Với giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, cá nóc được bán tràn lan như các loài cá khác. Anh Nguyễn Tiến, một ngư dân phường Lạc Đạo cho biết: Người dân ở đây câu được cá nóc thường xuyên, mỗi lần có thể câu khoảng 5-10 kg. Ít thì chế biến ăn liền, còn nhiều thì đem phơi khô hoặc mang ra chợ bán.

Cá nóc. Ảnh: Internet


Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Thuận, cá nóc có tên tiếng Anh là Puffer, có nhiều loài khác nhau. Tại Việt Nam có khoảng 66 loài cá nóc, trong đó khoảng 40 loài có độc tố. Chất độc ở cá nóc tập trung chủ yếu ở phần nội tạng, đặc biệt ở túi mật, trứng, gan, ruột và da. Độc tố cá nóc có tên là Tetrodotoxin, là loại độc tố được đánh giá là mạnh nhất trong tự nhiên, tác dụng vào hệ thần kinh, gây tê liệt nhanh chóng ở người bị nhiễm.

Trong từng loài, tùy vào từng thời điểm, mà từng con lại chứa lượng độc tố khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có người ăn cá nóc thì vô hại, nhưng cũng có người lại tử vong.

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Phước (Bình Thuận) cho biết: Để phân biệt các loại cá nóc khác nhau là rất khó. Cho tới nay, chưa có bất cứ công trình nghiên cứu nào khẳng định các loại cá nóc mà người dân đang sử dụng làm thức ăn là không có độc, trong khi ngư dân chỉ dựa vào kinh nghiệm đi biển để ăn cá nóc thì hậu quả đáng tiếc xảy ra là khó tránh.

Để phòng ngừa ngộ độc cá nóc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phối hợp với các ngành, địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của việc sử dụng cá nóc làm thực phẩm; thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm khai thác, lưu thông, chế biến, kinh doanh, sử dụng cá nóc làm thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, thu gom, mua bán, vận chuyển, chế biến cá nóc trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Nguyễn Thanh

Quảng Ngãi: Tiêu hủy 4,3 tấn cá nóc
Quảng Ngãi: Tiêu hủy 4,3 tấn cá nóc

Từ ngày 24 - 29/11, Công an Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã thu giữ và tiêu hủy 4,3 tấn cá nóc mua bán trái phép tại khu vực cảng cá Sa Huỳnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN