“Cuộc chiến” chống sởi vẫn chưa hạ nhiệt

Tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch

Ngành y tế đã vào cuộc mạnh hơn trong việc phòng, chống sởi, với những chuyến làm việc của những lãnh đạo cao nhất Bộ Y tế tới những thành phố lớn trong cả nước. Trang thiết bị cũng đã được bổ sung cho các trung tâm điều trị sởi của Hà Nội như Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viên Xanh Pôn và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, cả từ nguồn Nhà nước lẫn nguồn xã hội hóa.
Với những nỗ lực này, việc phòng, chống bệnh sởi cũng bắt đầu có những tín hiệu khả quan hơn.

 

Tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch

 

Đích thân các lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp “thị sát” kiểm tra công tác phòng chống dịch tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thị sát “điểm nóng”


Ngày 20/4, lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch sở tại các Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội).

 

Điều trị cho bệnh nhân sởi tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Trước đó, ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Sở Y tế thành phố Hà Nội và một số bệnh viện (BV) trên địa bàn. Các Thứ trưởng của ngành y cũng đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.


Kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân sởi tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, nhân viên bệnh viện trong việc điều trị cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, trước thực tế của căn bệnh sởi tại bệnh viện Xanh Pôn, Bộ trưởng đã yêu cầu bệnh viện tạo khu điều trị cách ly cho bệnh nhân.


Theo Bộ trưởng Kim Tiến, để hạn chế căn bệnh sởi tại Hà Nội, cần thực hiện phân tuyến bệnh nhân ngay từ tuyến dưới, hạn chế tối đa chuyển lên tuyến trên gây quá tải, tránh lây nhiễm chồng chéo; các bệnh viện cần phân tuyến riêng các ca nghi sởi ngay từ khâu khám sàng lọc…; từ đó phấn đấu giảm tối đa ca mắc sởi bị tử vong và bị biến chứng do sởi. “Ngành Y tế Hà Nội cần phải mở khóa tập huấn về phòng, chống các dịch bệnh liên tục cho các cán bộ y tế từ phường, xã, thị trấn đến tuyến quận, huyện, thị xã; tuyên truyền để người dân hiểu tác dụng của tiêm chủng nói chung và tiêm vắcxin sởi nói riêng, đồng thời triển khai tiêm vắcxin sởi trong độ tuổi và tiêm vét sởi”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.


Tại TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường làm trưởng đoàn, cũng đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới về tình hình bệnh sởi. Ghi nhận của đoàn: TP Hồ Chí Minh đã có cách làm hiệu quả để hạn chế được tình trạng lây nhiễm sởi, chính vì vậy, bệnh sởi tại thành phố không quá nặng nề như Hà Nội.


Báo cáo đoàn kiểm tra, đại diện BV Nhi Đồng 1 cho biết, từ đầu năm đến nay BV đã điều trị nội trú cho hơn 1.000 ca mắc bệnh sởi, chiếm 60% tổng số bệnh nhi nhập viện. Trong đó, có 117 ca biến chứng do viêm phổi, 2 ca phải thở máy và 10 ca phải thở oxy với áp lực dương liên tục (gọi tắt là CPAP). Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1, cách làm của BV là bố trí riêng 2 phòng bệnh để điều trị nội trú cho bệnh nhi sởi theo phương pháp là cách ly hoàn toàn. Khi lượng bệnh nhân tăng cao, bệnh viện sẽ mở rộng khu cách ly cho đến hết phòng cấp cứu khoa Nhiễm. Tại khoa Nhiễm cũng đã bố trí gần 150 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân tới điều trị.


Tại BV Bệnh Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị 938 ca sởi, trong đó 843 ca điều trị nội trú và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Trong tổng số ca điều trị nội trú, 367 ca biến chứng viêm phổi, chủ yếu rơi vào nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, các trường hợp bệnh nặng không nhiều, đến nay chỉ có 60 ca bệnh nặng phải nhập khoa Hồi sức cấp cứu, chiếm khoảng 7% số ca điều trị nội trú. Đáng lưu ý, trong số các ca điều trị nội trú, chỉ có khoảng 50% trường hợp cần nhập viện, số còn lại là do người nhà có yêu cầu, bệnh nhân ở xa tới… có yêu cầu nhập viện nên BV viện không thể từ chối.


Số ca mới giảm


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: Ngày 20/4, cả nước ghi nhận thêm 70 trường hợp mới mắc sởi trong tổng số 235 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố.


Như vậy, tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.430 trường hợp mắc sởi trong tổng số 9.243 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Trong số 116 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi thì có 25 trường hợp tử vong được xác định do sởi. Hiện có 12 tỉnh, thành phố trên 21 ngày không ghi nhận bệnh nhân mắc sởi mới.


Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết: Kết quả chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 20/4 là 59%. Theo báo cáo nhanh từ các tỉnh, thành phố, 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi đến ngày 20/4 đạt dưới 50%. Theo đại diện này phân tích, như vậy, việc tiêm chủng chưa thực sự được triển khai “sốt sắng” ở tuyến dưới và có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi có xu hướng khó giảm nhanh. Chính vì vậy, trong những ngày tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vét vắcxin sởi, để đảm bảo cho trẻ được tiêm đầy đủ, hạn chế việc mắc mới với căn bệnh đang rất nguy hiểm này.

 

Nhóm phóng viên thực hiện

Không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi trong ngày
Không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi trong ngày

Trong ngày hôm nay, cả nước ghi nhận thêm 70 trường hợp mới mắc sởi trong tổng số 235 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Trong ngày không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN