Tăng cường điều trị cai nghiện tại cộng đồng

Chiều 24/6, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đổi mới công tác điều trị nghiện ma túy” để có cái nhìn về công tác cai nghiện ma túy hiện nay.

 

Nghiện ma túy là “bệnh mãn tính”


Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Vấn đề cai nghiện đã được chúng ta triển khai hơn 20 năm qua và chủ yếu đưa người nghiện vào trung tâm 06 để cai nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn hạn chế. Gần đây, qua các nghiên cứu, chúng ta thấy đã đủ căn cứ, cơ sở để hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, công phu. Đã là bệnh mãn tính nên điều trị thường xuyên, gần như người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị nào đó.

 

Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Phú Thọ (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ) hiện chữa bệnh, chăm sóc, cai nghiện phục hồi cho 600 học viên theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế; tổ chức cho học viên lao động sản xuất để trị liệu, nâng cao sức khỏe. Trong ảnh: Học viên học nghề may tại xưởng may công nghiệp của trung tâm. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

 

Thực tế 4 năm gần đây cho thấy, những người nghiện ma túy nếu dùng thuốc thay thế như methadone, hiệu quả sẽ cao hơn. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong đề án cai nghiện sắp tới là giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng. Việc điều trị sẽ kết hợp các hỗ trợ khác như tâm lý, tư vấn cho họ về các lĩnh vực khác trong quá trình cai như chăm sóc sức khỏe, đề phòng bệnh kèm theo vấn đề nghiện cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp… “Chúng ta coi họ là người bệnh, cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng với mạng lưới tổ chức làm sao tiện lợi, phục vụ đa dạng người bệnh và để cho họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Còn về các trung tâm, chúng ta cũng có lộ trình giảm dần số lượng, các trung tâm này sẽ chuyển từ cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện và cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng hỗ trợ cai nghiện”, ông Đàm nói.


Theo ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, thành viên Tổ chuyên gia: Một thời gian dài cộng đồng và xã hội coi người nghèo là đối tượng tệ nạn, thậm chí là tội phạm, thể hiện rõ qua các trung tâm cai nghiện bắt buộc có chế độ hoạt động như là trại tạm giam, trong khi gia đình, cộng đồng kỳ thị đối với người nghiện. Nhiều gia đình không muốn cộng đồng biết, thậm chí che giấu, gửi con em bị nghiện ma túy đến địa bàn khác để giữ gìn uy tín, danh dự cho gia đình… Vì vậy, đã đến lúc chúng ta thay đổi căn bản nhận thức, coi đây như là một căn bệnh mãn tính. Gia đình có trách nhiệm chính trong vấn đề này, thường xuyên giáo dục con em mình, giám sát chặt chẽ để con em không sa vào vấn đề này. Từ việc thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi về hình thức cai nghiện. Nhà nước cần quan tâm đầu tư những trung tâm cai nghiện để đưa vào cai nghiện các đối tượng có tiền án, tiền sự, gây rối trật tự xã hội...

 

Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng


Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay trên thế giới có 315 triệu người nghiện ma túy. Một nguy cơ đáng lo ngại là ngoài các loại ma túy truyền thống có rất nhiều loại ma túy mới, xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu của UNODC năm nay với tên gọi “Hãy bay bằng sức mình, không phải bằng ma túy”. Hiện nay, chúng tôi đã có chương trình phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác nhằm giải quyết tình trạng lạm dụng ma túy”.


Chị Huỳnh Như Thanh Huyền, đại diện VNP+ (mạng lưới người sống chung với HIV) cho biết: “Với quan điểm là người đã từng 10 năm sử dụng ma túy và đang làm công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, chúng tôi mong đợi mọi người nhận thức nghiện ma túy chỉ là một căn bệnh. Quan niệm như vậy sẽ giúp xã hội giảm kỳ thị với người nghiện và giúp họ tự tin hơn, nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ xã hội và cộng đồng. Kinh nghiệm từ bản thân cho thấy với người nghiện ma túy, vấn đề không chỉ là điều trị cắt cơn, mà quan trọng nhất là chuyện tái hòa nhập với cộng đồng. Sau khi người nghiện được điều trị cắt cơn phải được điều trị về tâm lý, nhận được sự quan tâm của cộng đồng và gia đình. Hỗ trợ gia đình tạo lòng tin, giá trị sống cho người nghiện ma túy tại cộng đồng vượt qua bệnh tật”.


Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, đến nay chúng ta thống nhất với nhau về quan điểm và nhận thức nghiện ma túy là bệnh mãn tính, bệnh mang tính xã hội và chữa bệnh này bằng thuốc chỉ là thứ yếu. Chữa trị nó cần sự tập trung của cả cộng đồng, gia đình và cả Nhà nước. Việc đưa người nghiện vào trung tâm đã tách rời họ khỏi cộng đồng trong một thời gian nên khi trở lại họ sẽ ngỡ ngàng. Mô hình cai nghiện tại cộng đồng đạt giúp người nghiện vẫn nhận được các sự trợ giúp y tế, dịch vụ xã hội. Đến thời điểm này chúng ta có khoảng 60 điểm hỗ trợ điều trị nghiện bằng methadone. UBQG đã giao Bộ Y tế mở rộng mô hình này cùng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Đến năm 2015 phải có khoảng 70.000 - 80.000 người trong số 171.000 người có hồ sơ quản lý tiếp cận được với methadone. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng mô hình cai nghiện ở cộng đồng phải rất đa dạng và phong phú. Người cai nghiện đến một trung tâm cảm thấy vừa là trung tâm y tế, lại vừa là câu lạc bộ, lại có thể vừa là công viên để thư giãn, nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN