Với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm rách, tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Lai Châu đã trao 1 tấn gạo trị giá khoảng 12 triệu đồng cho các em học sinh dân tộc đang học tại nhà trường.
Đây là tấm lòng của cán bộ, công chức, viên chức Sở Giáo dục & Đào tạo Lai Châu quyên góp, ủng hộ. Quà hỗ trợ sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường, duy trì tỷ lệ học sinh đến trường, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở huyện Nậm Nhùn.
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Lai Châu Đinh Trung Tuấn cho biết: Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phần quà tuy trị giá không lớn nhưng góp phần chia sẻ khó khăn với gia đình học sinh, để các em có điều kiện và yên tâm đến lớp.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trường rà soát các đối tượng trên toàn tỉnh ở xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn (không được hưởng chế độ hỗ trợ gạo của Nhà nước) để tham mưu với tỉnh có giải pháp. Đồng thời, đơn vị sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay tiếp thêm động lực cho học sinh đến trường.
Năm học 2019 - 2020, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh có 19 lớp, 455 học sinh, trong đó 251 học sinh nội trú; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 100%. 100% học sinh ở nội trú đều là con em dân tộc Mông; kinh tế của người dân rất khó khăn, thiếu thốn, trong đó có 48 học sinh được hưởng chế độ của Nhà nước còn 203 học sinh chỉ được hỗ trợ tiền ăn, không được hỗ trợ gạo (do một số học sinh ở bản không còn thuộc đặc biệt khó khăn).
Thời gian tới, nếu số học sinh này không được hỗ trợ gạo hàng tháng sẽ phải về bản lẻ học, vì nhiều phụ huynh không có điều kiện chu cấp cho con theo học tại trung tâm xã. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số, chất lượng giáo dục ở vùng khó Lai Châu. Do đó, học sinh đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự chia sẻ giúp đỡ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp các em đến trường học chữ.
Trong những năm qua, nhờ sự chia sẻ của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ chăn và áo ấm mùa đông, hỗ trợ xây dựng trường lớp học, trang thiết bị dạy học, nhận đỡ đầu học sinh… Nhiều em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên viễn Lai Châu hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để tới trường. Vì vậy, tỷ lệ chuyên cần đạt cao, chất lượng giáo dục ở Lai Châu được nâng lên.