Hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời quân ngũ là tấm áo chiến sĩ hải quân được mẹ tận tay vá trên vai cách đây 18 năm về trước.
Ngày ấy, tôi là cậu học trò mới rời ghế nhà trường ra đi từ miền quê nghèo trồng cói. Trung đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 147 Hải quân đánh bộ là nơi dạy tôi những bài học chiến sĩ mới đầu tiên. Ngày huấn luyện trên thao trường mưa rào nắng lửa, tối cùng đồng đội quây quần ca hát, kể chuyện quê hương. Những bài học đầu tiên của người chiến sĩ nhọc nhằn vất vả nhưng đã giúp tôi trưởng thành cứng cáp. Trong một lần huấn luyện chiến thuật trên đồi tên lửa, lúc vượt qua “cửa mở”, tôi đã ôm súng lăn dài để tránh “làn đạn địch” đang bắn xối xả vào đội hình tiểu đội tiến công. Lần ấy, chiếc áo chiến sĩ đã rách toạc một miếng dài trên vai áo.
Sau ba tháng huấn luyện tôi về thăm mẹ. Tôi kể cho cả nhà nghe về cuộc sống của chiến sĩ mới, về niềm vui, tự hào vì được làm lính biển, được khoác chiếc áo Hải quân của dân, mà bao thế hệ đã thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt để dệt nên. Tối ấy, tôi đã “diễn” cho cả nhà xem những động tác lăn, lê, bò, trườn trong quân phục chiến sĩ binh nhì. Cả nhà vỗ tay vui mừng, còn mẹ thì bảo: “Con trai mẹ đã thành chiến sĩ”, rồi mẹ nhìn lên vai áo- chỗ rách mà tôi chưa kịp vá. Đêm ấy, mẹ thắp đèn dầu vá áo cho tôi…
Trong loang loáng ánh đèn, mẹ nhìn xa xăm như nhớ về quá khứ. Cũng chiếc áo này, thời son trẻ mẹ đã vá cho bố đêm trước ngày đoàn tàu không số vào Nam chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, bố nằm lại biển xanh. Ngày báo tử, mẹ nhận từ tay đồng đội chiếc áo của bố còn nồng nồng khói súng, mằn mặn mồ hôi. Những mũi chỉ đã sờn, chỉ đọng lại nghĩa tình thêm dầy thêm nặng.
10 ngày phép ngắn ngủi qua mau, tôi trở lại đơn vị tiếp tục học tập và công tác, rồi được đi học Sĩ quan Chính trị quân sự, ra trường, về đơn vị cơ sở với nhiều cương vị chức trách khác nhau. Tháng 5/1995, tôi xung phong ra thềm lục địa Tổ quốc làm nhiệm vụ. Trong hành tranh nhỏ bé của người lính biển, chiếc áo chiến sĩ mẹ vá hôm nào và tình thương của mẹ vẫn nguyên vẹn tận đáy ba lô. Những ca gác trong sương mù gió lạnh nơi đảo vắng tiền tiêu, chiếc áo chiến sĩ đã sưởi ấm lòng tôi, như tiếp cho tôi thêm sức mạnh chân cứng đá mềm.
Giờ đây, tôi không còn là cậu lính tò te ngày nào nữa. Đôi cầu vai binh nhì ngày xưa bây giờ là đôi quân hàm thiếu tá lấp lánh những ngôi sao. Tuy không được mặc áo chiến sĩ, song mỗi lần đơn vị hội diễn văn nghệ tôi lại lấy ra mặc để làm người dẫn chương trình. Lúc ấy thấy mình trẻ hơn, yêu đời biết mấy, kỷ niệm về chiếc áo rách vai lại ùa về trong tiềm thức tâm tư.
Chiếc áo chiến sĩ mẹ vá năm nào đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của cuộc đời tôi, nó chất chứa bao mồ hôi của ngày đầu nhập ngũ. Những đường kim mũi chỉ mẹ vá còn đây, như tầng nấc thang in đậm dấu ấn thời gian cho lưng mẹ thêm còng, cho tôi thêm trưởng thành rắn rỏi. Tôi giữ gìn chiếc áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa làm kỷ niệm, không chỉ để luôn nhớ về sự tảo tần của mẹ, về mạch nguồn của sự sinh thành, mà còn là nét đẹp văn hóa của người quân nhân cách mạng.
Mai Thắng