Ngày 1/4/2013 là thời khắc lịch sử đối với không chỉ cá nhân Lee Duck - Hee, mà còn cả làng quần vợt thế giới: Với việc đánh bại đối thủ Masatoshi Miyazaki người Nhật Bản sau 2 séc đấu ở vòng 1 giải Futures tổ chức tại Tsukuba (Nhật Bản), Lee Duck - Hee đã trở thành tay vợt ít tuổi nhất ghi điểm trong bảng xếp hạng ATP. Vào thời điểm đó, Lee Duck - Hee mới 14 tuổi và 10 tháng. Tuy nhiên, gương mặt triển vọng tới từ châu Á này còn viết nên một trang mới trong lịch sử môn tennis bằng một lý do hoàn toàn khác: Cậu bị điếc bẩm sinh.
Lee Duck - Hee tại giải trẻ Roland Garros 2013. Ảnh: zimbio |
Để có thể lọt vào bảng xếp hạng ATP, may mắn là chưa đủ, mà yếu tố tiên quyết là phải có tài năng. Nhiều vận động viên (VĐV) phấn đấu cả sự nghiệp cũng không thực hiện được mục tiêu này, chưa nói gì đến những VĐV có khiếm khuyết cơ thể. Vậy mà Lee Duck - Hee đã làm được, với đôi tai hoàn toàn không nghe thấy bất cứ tiếng động nào.
Ngay cả khi vừa thất bại tại vòng 1 giải trẻ Roland Garros, giải đấu trên sân đất nện đang diễn ra tại Pháp, Lee Duck - Hee vẫn nhận được những lời ngợi khen, ủng hộ từ người hâm mộ và giới chuyên môn. Và tất cả đều tò mò muốn biết chàng trai trẻ Hàn Quốc đã vượt qua số phận như thế nào.
Lee Duck - Hee sinh ra đã bị điếc. Nhưng theo cậu, khuyết tật này không gây quá nhiều rắc rối đối với một VĐV quần vợt. “Không nghe thấy tiếng bóng của mình cũng như của đối thủ, điều đó không khiến tôi lo lắng”, Lee Duck - Hee khẳng định trên tờ L’Equipe (Pháp). Cậu còn cho biết thêm: “Tôi bị điếc bẩm sinh, vậy nên, tôi không nghe thấy bất cứ tiếng động nào. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi tung ra những cú đánh. Theo tôi, không nghe thấy gì không ảnh hưởng lớn tới việc chơi tennis”.
Nhưng trong một số tình huống, khuyết tật của tài năng trẻ Hàn Quốc cũng có thể gây phiền toái. Lee Duck - Hee giải thích: “Vấn đề duy nhất của tôi là thông báo của trọng tài. Đôi khi, tôi vẫn giao bóng trong khi trọng tài nói ‘Hãy chờ!’ và tôi cũng không nhìn thấy ký hiệu tay của trọng tài. Tôi thích trọng tài ra dấu cho tôi một cách rõ ràng, dễ nhìn. Dù sao, mặt tích cực của khiếm khuyết về cơ thể này là tôi luôn tập trung vào trận đấu, bởi không một tiếng động bên ngoài nào có thể làm tôi phân tâm”.
Sống trong một thế giới không tiếng động, Lee Duck - Hee rất may đã tìm thấy niềm vui và sự đam mê ở môn quần vợt. Quần vợt đã giúp Lee Duck - Hee có cơ hội thể hiện mình, trong khi khiếm khuyết cơ thể cũng giúp phát triển tối đa khả năng quan sát của cậu.
Vẫn trên tờ L’Equipe, người đại diện của Lee Duck - Hee, cho biết: “Cậu ấy sinh ra với một bản năng đặc biệt. Việc không nghe thấy gì khiến cậu ấy có thể nhận biết và phân tích phản ứng của đối thủ tốt hơn những tay vợt khác”.
Bệnh điếc không thể ngăn cản sự tiến bộ của Lee Duck - Hee. Trước khi tham dự giải trẻ Roland Garros, cậu đã vô địch giải trẻ châu Á và đăng quang ở giải trẻ sân đất nện tại Hunggari. Tuy nhiên, Lee Duck - Hee dẫu sao cũng là một tay vợt đặc biệt.
“Đối với tôi, tôi cần nghe thấy tiếng động của cú đánh từ đối thủ để xác định tốc độ của bóng”, tay vợt 18 tuổi người Pháp, Alexandre Favrot, nói. Từng thua Lee Duck - Hee trong một trận đấu hồi tháng 10/2012, Favrot cho biết thêm: “Tôi cũng cần nghe thấy tiếng bước chân của mình, đặc biệt là trên mặt sân cứng, để biết mình có di chuyển tốt hay không. Còn cậu ấy thì không nghe thấy gì. Thật khó tin. Không nghe thấy sự cổ vũ của khán giả cũng là một điều thiệt thòi”.
Về điểm này, Lee Duck - Hee cũng chia sẻ: “Tôi thực sự muốn cảm nhận sự náo nhiệt của khán giả, muốn nghe thấy tiếng đám đông la hét. Điều đó có thể sẽ giúp tôi chơi tốt hơn”.
Nhưng cho tới thời điểm này, những gì mà Lee Duck - Hee làm được cũng đã rất ấn tượng. Trên trang Twitter của mình, “ông vua sân đất nện” Rafael Nadal tuyên bố: “Cậu ấy đã cho chúng tôi thấy con người ta có thể đi đến đâu, nếu luôn nỗ lực chiến đấu”.
Cứ với đà này, không lâu nữa Lee Duck - Hee có thể chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp và viết tiếp những trang sử đặc biệt về anh trong thế giới quần vợt.
Bảo An