Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - Bài 2: Giữ an toàn cho hệ thống

Trước yêu cầu tái cấu trúc hệ thống NH với tiêu điểm là giải quyết những yếu kém từ nội tại, hơn bao giờ hết, đảm bảo an toàn cho hệ thống trở thành mối quan tâm hàng đầu.

“Đánh chuột không bể bình”

Một số chuyên gia cho rằng, bàn về tái cấu trúc NH chủ yếu vẫn thiên về khuynh hướng mua bán, sáp nhập chứ chưa dám bàn đến biện pháp cho phá sản. Nhưng nếu không dám “làm mạnh tay” một lần thì những NH tương đối kém sẽ như thế nào, hay vẫn chỉ là tích tụ tổn thất?

Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo TS Hà Thị Thu Sáu - khoa NH (Học viện NH) thì giải pháp tăng vốn điều lệ cơ học bằng sáp nhập các NH yếu kém chỉ làm tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản mà không thể cải thiện mức độ an toàn sau khi sáp nhập. Vì vậy, nếu không có những biện pháp hữu hiệu để mỗi NH tái cơ cấu lại vốn của mình, thì nguy cơ bất ổn sẽ kéo dài, việc đổ vỡ e khó tránh khỏi. Bởi vậy, sự đổ vỡ và bất ổn vẫn là những lo lắng thường trực khi đề cập đến vấn đề tái cơ cấu hệ thống NH.

Thừa nhận vừa phải tái cấu trúc hệ thống NH mà vẫn đảm bảo hoạt động ổn định góp phần vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn - chẳng khác gì “đánh chuột nhưng không được làm bể bình”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định việc tái cơ cấu hệ thống sẽ thực hiện theo hướng thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo không để xảy ra đổ vỡ, rối loạn và mất an toàn hoạt động NH ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, NHNN phải tính toán để tiết giảm tối đa tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các TCTD bằng cách phát huy tối đa nội lực. Đó là giải pháp phân nhóm hợp lý, dùng cách tổ chức tín dụng có quy mô lớn hơn, lành mạnh hơn tham gia vào quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ trên nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, người đang hưởng thụ các dịch vụ NH.

Đây cũng là thời điểm hết sức quan trọng để các NH thực hiện cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh nhưng bền vững. Mọi tổ chức tín dụng dù tốt cũng cải cách để mạnh mẽ hơn, hoạt động lành mạnh hơn - Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu.

Hướng tới sự bền vững

Năm 2012, NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động NH theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống NH; kiên quyết xử lý dứt điểm những NH yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển.

Mặc dù nhiều NHTM đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính nhưng vốn điều lệ của nhóm này vẫn còn nhỏ; trong khi đó lại không bị hạn chế bởi phạm vi và lĩnh vực hoạt động. Đây cũng là một bất cập cần sớm giải quyết.

Trước áp lực phải “lớn” theo lộ trình quy định tại Nghị định 141 là sau ba năm vốn điều lệ tối thiểu của một NH là 3.000 tỷ đồng thì nhóm các NHTM nhỏ buộc phải tăng trưởng tín dụng “nóng”. Thông thường tỷ lệ này tới 60 – 70%/năm, thậm chí có năm còn cao hơn nhiều và chủ yếu tập trung vào mảng bất động sản và chứng khoán là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Việc thiếu thanh khoản thường xuyên xảy ra khiến các NH này phải khắc phục bằng cách sử dụng công cụ lãi suất cao để cạnh tranh huy động vốn và vay trên thị trường liên NH với lãi suất có khi lên tới 30 – 40%/năm.

Chính những động thái này đã làm thị trường tiền tệ liên tục bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành chính sách của NHNN. Bởi vậy, gần đây, một số cơ chế, chính sách của NHNN đã được điều chỉnh theo hướng tăng cường quản trị rủi ro, quy định tỷ lệ an toàn đối với các TCTD, xây dựng cơ chế giám sát theo mức độ rủi ro. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa thể vận hành trong ngắn hạn nên các rủi ro về tín dụng, thanh khoản, lãi suất, tỷ giá... đều xảy ra ở tất cả các NH với mức độ khác nhau.

Chia sẻ khó khăn với cơ quan quản lý nhà nước, TS Nguyễn Thị Mùi – Trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực ngân hàng mong muốn NHNN có định hướng rõ ràng và nhanh chóng trong việc sắp xếp lại các TCTD dựa trên cơ sở tự nguyện theo hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại, thậm chí đóng cửa (loại bỏ). Đối với các NHTM năng lực tài chính hạn chế, luôn luôn thiếu thanh khoản thì NHNN cần nhanh chóng chỉ đạo theo hướng thu hẹp phạm vi kinh doanh (có thể là địa giới hành chính, phạm vi kinh doanh hoặc cả hai yếu tố này).

Bên cạnh đó, để thực hiện tái cấu trúc, việc đầu tiên được xem như “then chốt” là rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến hệ thống NH để nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện. Theo đó, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại các NH hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững hướng tới thông lệ quốc tế tốt nhất như: Vốn điều lệ thực tối thiểu, điều kiện cần và đủ để lập NH, phạm vi và lĩnh vực kinh doanh ứng với quy mô, hạ tầng công nghệ tối thiểu phải có... Bên cạnh đó cũng cần phân loại nợ theo thời gian và chất lượng nợ, tiêu chí năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh, vấn đề minh bạch thông tin và kỷ luật thị trường...

Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là xây dựng chiến lược quản lý rủi ro trong NH. Bởi trên thực tế, do sự mất cân đối trong quá trình huy động vốn và tính không ổn định của nguồn vốn nhàn rỗi ngày càng tăng dẫn đến tình trạng dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ lớn hoặc vay mượn quá mức trên thị trường liên NH. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn và thanh khoản. Muốn khắc phục tình trạng này, bản thân từng NH phải có giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để cấu trúc lại tài sản nợ - tài sản có. Việc đánh giá chất lượng tín dụng không nên chỉ dồn mối quan tâm đến dư nợ đầu tư tài chính, ủy thác đầu tư thông qua hoạt động của các quỹ đầu tư để xác định chuẩn xác chất lượng tài sản có của NH mà phải xác định rõ mức độ rủi ro chung cũng như mức sinh lời kỳ vọng chấp nhận tương ứng. Trên cơ sở chiến lược rủi ro này, cần tạo ra một khuôn khổ kiểm soát, điều chỉnh cơ cấu và chất lượng các hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả bền vững.

Nền kinh tế quốc gia khó có thể phát triển ổn định và lành mạnh khi hệ thống NH tiềm ẩn nhiều bất ổn và hoạt động kém hiệu quả. Vì thế, việc tái cấu trúc ngành NH nên đặt trọng tâm vào tính hiệu quả và sự phát triển bền vững của toàn hệ thống. Đó cũng là chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, với một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm như NH thì dù việc tái cơ cấu là rất cấp bách nhưng cũng phải thực hiện theo lộ trình và cần đồng bộ nhiều giải pháp.

Thu Hằng

Bài 3: Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng mới giảm được lãi suất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN