Đèo Phượng Hoàng nằm trên quốc lộ 26, thuộc địa bàn huyện Ma Đ’Rắk, cửa ngõ phía đông của tỉnh Đắk Lắk, giáp ranh với vùng đồng bằng tỉnh Khánh Hòa.
Đèo Phượng Hoàng uốn lượn quanh co, khúc khuỷu dài trên 12 km và vào tháng 3/1975 đã được mệnh danh là "lá chắn thép", ghi chiến công hiển hách của quân đội ta đã đánh bại, đập tan tành cuộc nhảy dù với quy mô lớn của quân ngụy hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột, chặn đường rút lui và sự chi viện của địch từ vùng đồng bằng lên, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Vùng đất đèo Phượng Hoàng nay đang được hồi sinh, trở thành điểm đến khá hấp dẫn trong các tua du lịch đến miền Cao nguyên Đắk Lắk.
Trước đây, toàn bộ vùng thảo nguyên Ma Đ’Rắk xác xơ đất trắng, xung quanh đèo Phượng Hoàng phần lớn bị bom đạn cày đi xới lại nhiều lần, tạo ra những đồi trọc nối tiếp những đồi trọc. Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất đến nay, nhất là từ năm 1980 trở lại đây, đồng bào các dân tộc ở nhiều vùng quê của cả nước về đây đoàn kết, chung tay cùng với đồng bào dân tộc Êđê bản địa sinh cơ, lập nghiệp xây dựng nên những thôn, buôn làng xã mới.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo được triển khai đồng bộ, làm cho bộ mặt nông thôn, miền núi nơi đây không ngừng “thay da đổi thịt”.
Hiện nay, khu vực đèo Phượng Hoàng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm… kiên cố, khang trang, phục vụ tốt yêu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Những ngọn núi, con đèo, đồi trọc trước đây nay được phủ lên mình những thảm rừng xanh ngút ngàn, xen lẫn với những ngôi nhà ngói mái đỏ tươi, minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất này.
Gia đình anh Lưu Văn Nghệ, quê ở Nam Định, năm 1996 tình nguyện vào xây dựng kinh tế mới ở xã Cư Króa dưới chân đèo Phượng Hoàng. Cần mẫn lao động, tiếp thu, áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, tỉnh hướng dẫn, đến nay, gia đình anh đã có 3 ha trồng cây ăn quả chất lượng cao như: Xoài, cam, quýt, hồng xiêm, trên 2.000 m2 mặt nước nuôi cá, hàng trăm con lợn, gà, phát triển chăn nuôi bò. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh Nghệ cũng thu được trên 100 triệu đồng.
Gia đình anh Nông Văn Đàn, dân tộc Tày, ở xã Cư San đến vùng đèo Phượng Hoàng này từ năm 1990. Ngoài việc gieo trồng lúa trên ruộng bậc thang, gia đình anh còn có trên 4 ha đất rẫy để gieo trồng ngô lai, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, có nhà xây mới, hai con đến trường chăm ngoan, học giỏi. Không chỉ gia đình anh Nghệ, anh Đàn mà nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các xã Ea Trang, Cư San, Cư K’róa… ở giữa, dưới chân đèo Phượng Hoàng đều có kinh tế ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao.
Chủ tịch UBND xã Ea Trang Y Muôn Byă, người dân tộc Êđê cho biết: Trong mấy năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Đặc biệt, trong gần 10 năm trở lại đây, nhiều đơn vị lâm nghiệp liên kết với địa phương, hỗ trợ giúp dân giao khoán, nhận đất, nhận rừng trồng, chăm sóc rừng, nhờ vậy không những trên các sườn đồi, ven đường đèo Phượng Hoàng được phủ kín cây rừng mà đồng bào ở đây còn có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập từ nghề rừng. Gia đình anh Y Nanh Niê ở xã Ea Trang đã liên kết với Công ty Lâm nghiệp Ma Đ’Rắk trồng 4 ha rừng keo tai tượng.
Sau khi đưa vào khai thác, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 60 triệu đồng. Hay gia đình chị H’Ngơn nhận chăm sóc, bảo vệ rừng cũng của Công ty Lâm nghiệp Ma Đ’Rắk, thu về trên 20 triệu đồng cộng với phát triển chăn nuôi đàn bò gần 70 con dưới tán rừng, trồng ngô lai, gia đình chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống có của ăn, của để…
Chị H’Ngơn hồ hởi khoe: "Trước đây, vùng đất này trống huơ, trồng hoắc, con chồn, con hoẵng cũng không sống được, thế mà nay được công ty bày cho cách trồng rừng để cây rừng lên xanh tốt, con mang, con hoẵng lại về, bà con mình có cuộc sống thêm ấm no, các cháu được đến trường, ốm đau đến trạm xá để được các y, bác sĩ khám chữa bệnh…".
Nhìn ánh điện sáng bừng lên từ những ngôi nhà mới xây của đồng bào các dân tộc, đang lung linh trong gió, trong sương đêm như vẽ nên bức tranh sinh động yên bình, trù phú giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Quang Huy